Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh đề xuất giờ làm việc

GD&TĐ - Trước những phản hồi về đề xuất giờ làm việc trong Tờ trình dự thảo Luật Lao động sửa đổi, ngày 16/5, Bộ LĐ-TB&XH đã điều chỉnh linh hoạt hơn về nội dung này.

Người dân đến làm việc tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (ảnh minh họa)
Người dân đến làm việc tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân và các địa phương về đề xuất giờ làm việc nên đã tiếp thu. Trước đây, Chính phủ quy định giờ làm việc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bây giờ, chúng ta tiếp thu ý kiến thì quy định giờ làm việc có sự thống nhất tương đối, linh hoạt hơn đối với các thành phố lớn. Bên cạnh đó, quy định giờ làm việc ở các địa phương khác cần có những tính toán về địa lý, khí hậu...

“Đó là câu chuyện Nghị định trong tương lai chứ không phải thay đổi của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Dự thảo công bố và bây giờ vẫn vậy”, ông Bình nói.

Cụ thể, phương án 1 trong phiên bản mới về dự thảo Tờ trình đã được điều chỉnh lại như sau: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Đối với cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và các đô thị lớn là từ 8 giờ 30 - 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để bảo đảm liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Đối với cơ quan Nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Phiên bản mới về dự thảo Tờ trình vẫn giữa nguyên phương án 2 như ở phiên bản cũ được công bố đầu tiên hôm 28/4: “Giữ nguyên quy định giờ làm việc như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UNBD và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết)”.

Trước đó, phương án một trong phiên bản cũ của dự thảo tờ trình được công bố hôm 28/4 nêu, “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 - 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút.

Nhiều bộ ngành, địa phương và người dân đã chia sẻ sự không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất giờ làm việc thống nhất trong cả nước là không hợp lý, vì tuy cùng múi giờ song khí hậu các vùng miền khác nhau và tỷ lệ dân cư nông thôn lớn. Người dân nông thôn thường dậy sớm từ 5 - 6 giờ, để tránh nắng nóng họ đến cơ quan hành chính từ 7 giờ sáng nên việc các đơn vị làm từ 8 giờ 30 là “vấn đề cần cân nhắc”.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.