Bình ổn giá thịt lợn: Khuyến khích tái đàn, cân nhắc nhập khẩu

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh, giá lợn hơi tăng mức kỷ lục. Trong khi đó, vào dịp cuối năm, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm tăng cao... Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương đánh giá tình hình cung - cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm để sớm có biện pháp bình ổn giá.

Chính phủ đã tính đến phương án nhập khẩu để bình ổn giá thịt lợn.
Chính phủ đã tính đến phương án nhập khẩu để bình ổn giá thịt lợn.

Khuyến khích tái đàn

Việc thiếu nguồn cung đẩy giá lợn tăng cao đến mức chưa từng có khiến Bộ NN&PTNT cũng đã tính đến các biện pháp bình ổn. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến sản lượng lợn thịt năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm nay, dù tổng sản lượng thịt không thiếu nhưng sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với năm ngoái. Hiện, các trang trại chăn nuôi lớn, an toàn dịch bệnh được khuyến khích tăng đàn.

Thứ trưởng Tuấn cho biết, giá lợn hơi trong nước đang cao nhưng sẽ kiểm soát không để quá cao. Ngoài khuyến khích các địa phương, các vùng an toàn dịch bệnh tái đàn có thể tính đến giải pháp nhập khẩu dựa trên nhu cầu trong nước và quan hệ thương mại. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT tính toán chặt chẽ nguồn cung của từng nhóm sản phẩm chăn nuôi để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp..

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi cho thấy, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, chiếm 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%. Có thể thấy, số lượng trang trại chăn nuôi lợn cũng như tổng đầu con lợn được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng.

Những cơ sở, trang trại này đến nay cơ bản giữ được an toàn trước bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương nên cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt lợn trong thời gian tới. Có thể tái đàn lợn nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình.

Ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có chuyến thị sát tình hình kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã bước đầu được khống chế và có chiều hướng suy giảm, trong điều kiện giá cả có lợi cho người chăn nuôi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cương quyết không tái đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ điều kiện, không đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và thủy sản.

Để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo việc phát triển và tái đàn tại các doanh nghiệp lớn, các hộ chăn nuôi quy mô gia trại, có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp nhằm khuyến khích tăng đàn nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các hộ chăn nuôi quy mô trung bình từ 500 - 1.000 con/hộ mà đảm bảo được các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, cũng sẽ khuyến khích phát triển đàn lợn.

Cân nhắc nhập khẩu

Từ tháng 10/2019, giá thịt lợn hơi tăng mạnh trở lại, sau một thời gian dài giữ ổn định, lên mức kỷ lục 70.000 đồng một kg, mức cao nhất trong 3 năm. Theo Bộ NN&PTNT, giá mặt hàng này liên tục tăng cao phần lớn là thiếu hụt nguồn cung do ngành chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, trong khi tốc độ tái đàn diễn ra chậm.

Cùng với đó, việc Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao tạo thêm áp lực cho thị trường trong nước. Theo khảo sát ngày 16/10, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động ở mức 60.000 - 64.000 đồng/kg, miền Nam 55.000 - 60.000 đồng/kg. Tại một số chợ ở Hà Nội, giá thịt lợn dao động 120.000 đồng/kg. Ở một số siêu thị, giá thịt lợn loại ngon đã lên đến trên dưới 150.000 đồng/kg.

Chuyên gia về chăn nuôi khuyến cáo, trước sự thiếu hụt nguồn cung, để đảm bảo cân đối cung cầu, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thay thế thịt lợn bằng thịt gà, thủy, hải sản... Với người chăn nuôi lợn, nên thực hiện tái đàn khi đủ điều kiện cho phép. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi nên xuất bán lợn đúng trọng lượng 100 - 120 kg/con, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không nên “găm” lợn trong chuồng chờ tăng giá khiến nguồn cung thị trường càng khan hiếm.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng vượt mức kỷ lục, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về bình ổn giá thịt lợn. Theo đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê được giao khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn, gồm cả thịt lợn hơi và thành phẩm đến cuối năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước, để ổn định giá thịt lợn đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan bảo đảm mục tiêu kiểm soát CPI năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các đơn vị báo cáo Chính phủ những nội dung trên trước ngày 21/10.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2019 tới nay, Việt Nam phải nhập khẩu số lượng thịt lợn khá lớn. Tính đến tháng 8/2019, Việt Nam nhập 11,7 nghìn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.