Biên chế chỉ phù hợp với giai đoạn còn bao cấp

GD&TĐ - Dù là biên chế hay hợp đồng, vai trò của người giáo viên vẫn vô cùng quan trọng, vấn đề là tuyển được người giỏi, sử dụng được người giỏi, loại những cá nhân yếu kém - hợp đồng lao động sẽ thực hiện được việc đó dễ dàng hơn. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội - nhớ lại thời điểm nhà trường thực hiện chuyển sang chế độ ký hợp đồng với cán bộ, giáo viên:

Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (Ảnh minh họa, theo Baomoi.com)
Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (Ảnh minh họa, theo Baomoi.com)

"Một số cán bộ, giáo viên khi đó đã đến gặp tôi trực tiếp, bày tỏ băn khoăn, thắc mắc vì họ đã rất nhiều năm gắn bó với nhà trường. Tôi đã phải giải thích cặn kẽ, là chuyển từ biên chế sang hợp đồng sẽ vẫn giữ nguyên hệ số lương, các phụ cấp, chế độ lên lương, phụ cấp thâm niên, chế độ bảo hiểm,... vẫn vậy, không thay đổi gì cả.

Nhưng thay đổi là ở cơ chế ràng buộc, nếu trường gặp khó khăn, tuyển sinh kém, đời sống không đảm bảo, các thầy cô có thể chấm dứt hợp đồng, chuyển đến một môi trường làm việc khác tốt hơn. Nếu còn biên chế, các thầy cô sẽ khó làm được điều đó.

Hiện nay, theo luật Viên chức, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội đã chuyển sang chế độ hợp đồng.

Tất nhiên, để thực hiện được điều này cũng có nhiều khó khăn. Chỉ trong nội bộ một trường còn vậy, rộng ra toàn thể đội ngũ giáo viên chắc chắn sẽ không dễ dàng. Do đó, rất cần phải tuyên truyền, giải thích cho các thầy cô hiểu rõ, làm công tác tư tưởng tốt, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, một lộ trình cẩn trọng và phù hợp" - NGND Hà Xuân Quang chia sẻ.

Khẳng định đã bao cấp thì ít có cạnh tranh, mà thiếu cạnh tranh thì rõ ràng động lực sẽ hạn chế, NGND Hà Xuân Quang cho rằng, biên chế phù hợp với cơ chế bao cấp. Khi luật Viên chức ra đời, không còn khái niệm biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập mà chỉ là hợp đồng. Theo đó, có 2 loại hợp đồng là hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc.

Khi hợp đồng, chắc chắn giáo viên muốn có chỗ đứng thì phải cạnh tranh, phấn đấu, có thể không ổn định như kiểu biên chế, nhưng chỉ có vậy mới tạo ra động lực, giúp nhà giáo đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chế độ hợp đồng cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý, sử dụng, người quản lý có thể chủ động tuyển dụng người giỏi, phù hợp với yêu cầu nhà trường.

Đây cũng là cách giúp tạo ra sự bình đẳng hơn giữa trường công và ngoài công lập, từ đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cùng nâng cao chất lượng.

Trước một số ý kiến lo lắng việc hiệu trưởng lạm quyền, NGND Hà Xuân Quang cho rằng, phải có ràng buộc rõ ràng giữa quyền và trách nhiệm. Như các trường ĐH tự chủ, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của trường đó; nguồn tài chính của trường có được thông qua chính nỗ lực của người đứng đầu và cả tập thể. Do đó, chắc chắn, muốn tuyển ai, hiệu trưởng phải cân nhắc rất kỹ.

Liên quan đến quan điểm lo nhà trường sẽ giống như doanh nghiệp, quan điểm của NGND Hà Xuân Quang là: Chúng ta học là học tư duy doanh nghiệp trong quản trị hiệu quả nhà trường; học họ cách tổ chức, làm sao để nâng cao chất lượng, làm sao để sử dụng tốt các nguồn lực... Nhưng nhà trường khác doanh nghiệp ở mục tiêu, không thể đuổi theo mục tiêu kinh tế mà coi nhẹ mục tiêu chính là giáo dục, đào tạo con người và các trách nhiệm xã hội khác...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.