“Bàn thắng” đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19

GD&TĐ - Giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 - 50 tuổi tham gia. Họ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm.

Tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Thế Đại
Tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Thế Đại

Đây được coi là “bàn thắng” đầu tiên của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Vắc-xin 120.000 đồng/liều

Ngày 10/12, Học viện Quân y chính thức thông báo tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nanocovax phòng Covid-19. Vắc-xin được phát triển bởi Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen.

Cột mốc này cũng chính thức khởi động Chương trình thử nghiệm vắc-xin tại Việt Nam. Tới sáng ngày 10/12, đã có nhiều tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm lâm sàng. Họ chủ yếu là sinh viên của các trường đại học.

Số lượng, tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ người tham gia nghiên cứu và nội dung thông tin cung cấp cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 - 50 tuổi tham gia. Họ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm.

Nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên. Tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả những người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

Để bảo đảm tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 người tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển người tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg.

Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vắc-xin trên 3 người đầu tiên, sẽ quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Theo kế hoạch, ngày 17/12 sẽ tiêm mũi vắc-xin đầu tiên cho người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.

Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất và giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y làm chủ trì đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này.

Trên cơ sở hồ sơ đề cương nghiên cứu được Hội đồng đạo đức Quốc gia thông qua, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức Đoàn công tác theo dõi giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu của nhóm nghiên cứu. Nhờ đó, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu.

Vắc-xin Covid-19 “made in Việt Nam” dự kiến có giá thành khoảng 120.000 đồng/1 liều. Với 2 liều tiêm vắc-xin cần thiết đủ để tạo miễn dịch, mỗi người dân sẽ mất chi phí là 240.000 đồng.

Ngoài Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 gồm: Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac). IVAC sẽ nộp hồ sơ đề nghị thử nghiệm trên người vào cuối tháng 12, dự kiến bắt đầu thử nghiệm vào tháng 3/2021. Vabiotech dự kiến xin thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021. Trong khi đó, Polyvac đang tạo chủng kháng nguyên cho vắc-xin.

Hy vọng vào “pha” quyết định

Trong quá khứ, Việt Nam đã sản xuất thành công 11/12 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hàng loạt vắc-xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm được sản xuất trong nước như: Đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao, vắc-xin phòng dại, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B, cùm gia cầm H5N1.

Chia sẻ về vắc-xin Covid-19, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nhận định: “Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mặc dù bị tấn công dồn dập và bao vây tứ phía, nhưng Việt Nam đã ghi bàn thắng ngay từ phút đầu tiên. Suốt hiệp 1, virus SARS-CoV-2 liên tiếp mở 3 đợt tấn công nhằm gỡ hòa. Tuy nhiên, nhưng đều bị tuyến đầu lập các chốt đặc nhiệm chặn lại ngay từ pha phát động tấn công”.

Trong khi đó, bác sĩ Phúc nhấn mạnh, ở những phút mở màn “hiệp 2”, Việt Nam có đôi chút “chệch choạc” để Covid-19 xâm nhập khu cấm địa. Tuy nhiên, “các hậu vệ” nhanh chóng đeo bám và truy vết quyết liệt và vô hiệu hóa thành công.

“Cuộc chiến còn nhiều khó khăn. Ngoài việc không để Covid-19 gỡ hòa, Việt Nam cần phải ghi thêm 1 bàn thắng nữa. Đó là bàn thắng mang tên vắc-xin Covid-19 của Việt Nam ở phút thứ 70 của trận đấu. Kết thúc hiệp 1: Thế giới chỉ duy nhất Việt Nam ghi bàn!”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng, ở “hiệp 2”, chúng ta cần ghi thêm “bàn thắng” vắc-xin. Đó sẽ là một “bàn thắng vàng” để Việt Nam được ghi trên bản đồ lịch sử phòng chống đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhân loại đang tiến gần hơn một bước trên con đường mang lại đột phá cho người dân. Đồng thời, góp phần kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 có thể không đóng vai trò quyết định việc chấm dứt đại dịch. Bên cạnh vắc-xin, yếu tố quan trọng khác là người dân tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ