Bắc Giang: Giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Sơn Động

GD&TĐ - Với sự hỗ trợ đắc lực từ Chương trình giảm nghèo 30a, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã có những thay đổi tích cực.  Quan trọng hơn cả, đa số người nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Bà Hồ Thị Linh được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn chăm sóc rừng trồng
Bà Hồ Thị Linh được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn chăm sóc rừng trồng

Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là địa phương còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 35% (năm 2018). Với mục tiêu giảm bình quân 5%/ năm số hộ nghèo, huyện Sơn Động tập trung huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững.

Một trong những thành công trong công tác này là ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã hình thành vững chắc trong nhân dân, được cụ thể hóa thông qua các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh.

Trước đây gia đình ông Chu Xuân Tuyên (SN 1958), dân tộc Tày và nhiều hộ dân ở Thôn Đồng Chu xã Yên Định (Sơn Động) đã biết đến nghề nuôi ong nhưng do kinh tế eo hẹp nên quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn.

Năm 2018, ông Tuyên được hỗ trợ 30 đàn ong giống theo chương trình 30a, cùng với số ong có sẵn, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn. Năm ngoái, ông thu được 200 lít mật; từ đầu năm đến nay, đàn ong đã mang lại cho gia đình ông hơn 300 lít mật.

Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, ông Tuyên có được khoản thu nhập đáng kể. Hơn nữa, do nuôi ong bằng nguồn hoa tự nhiên nên chất lượng mật tương đương như ong rừng, thương lái vì thế thường xuyên đến tận nhà ông thu mua, tiêu thụ dễ dàng.

Theo ông Tuyên, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo.

Ông Tuyên nói: “Nhờ có hỗ trợ từ chương trình 30a, gia đình tôi có điều kiện phát triển đàn ong, mở rộng sản xuất. Nuôi ong bận rộn quanh năm, ngày nào tôi cũng phải kiểm tra các tổ, nếu có dấu hiệu bị bệnh hoặc bỏ đàn, ong đói, cắn nhau là phải dùng biện pháp xử lý ngay. Sau nhiều năm, tôi đã tích lũy được kinh nghiệm nên có thể chữa khỏi một số bệnh thường gặp ở con ong”.

Hiện nay ông đang truyền nghề cho hai người con trai cùng mong muốn mở rộng mô hình, kết hợp giữa trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Với bà con làng xóm, ông luôn sẵn sàng cung cấp giống và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để cùng nhau chung tay xây dựng đời sống ấm no.

Với gia đình bà Hồ Thị Linh, ở thôn Mỏ, xã An Châu, những hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo đến nay đã có kết quả. Cùng các cán bộ kiểm lâm đến thăm gia đình bà Linh khi rừng keo 5 năm tuổi vừa cho thu hoạch, những gốc cây mới đang được trồng vào thay thế, bắt đầu lên xanh. Trên nền khu đất rộng, vài người thợ đang giúp bà Linh đổ bê tông đường vào to rộng để xây mới khu vực bếp và nhà vệ sinh.

Bà Linh vui vẻ nói: “Nhờ nguồn thu hơn 100 triệu đồng từ rừng, tôi có điều kiện để cải thiện cuộc sống. Chồng tôi bị tai biến, mất sức lao động từ lâu, tôi thì già yếu, đông con. 5 năm trước, tôi được cấp cây giống và phân bón để trồng khoảng 1 ha rừng. Do trước đây là công nhân lâm nghiệp nên tôi tuân thủ đúng kỹ thuật, cây lên nhanh, chất lượng gỗ tốt”.

Theo lời bà Linh, ngay sau khi thu hoạch, bà lại tiếp tục được hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo, gia đình bà vì thế đỡ khó khăn, không phải tự bỏ tiền ra mua giống cây, phân bón.

Được biết, vài năm trước, gia đình bà Linh đã nhận 7 triệu đồng để xây dựng, cải tạo nhà ở theo chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Những giúp đỡ đó đã phần nào làm cho gia đình bà thoát khỏi nghèo khó, có điều kiện vươn lên.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, cán bộ xã An Châu cho biết, trên địa bàn xã có 20 hộ được hưởng những ưu đãi như gia đình bà Linh. Ngay khi nhận được giống, vật tư trồng rừng, ông đã bàn giao cho các hộ, hằng ngày, ông đều đến kiểm tra và hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, vận động người dân tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Được biết, đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của Sơn Động là bước đi cụ thể hiện thực hóa Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với 61 huyện khó khăn nhất cả nước. Những gì đề án mang lại có ý nghĩa quan trọng, thay đổi cuộc sống của không ít hộ nghèo.

Tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện đề án trong 10 năm qua đạt gần 850 tỷ đồng. Riêng năm 2019, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng.

Hằng năm, các nội dung, danh mục công trình đầu tư được lựa chọn kỹ, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nhân dân, phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, vượt kế hoạch đề ra.

Đổi thay rõ nét nhất chính là hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế. Đề án còn dành nguồn lực đáng kể cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội…

Ông Nguyễn Quang Ngạn- Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho rằng, một trong những thành công trong công tác này là nhận thức về mục tiêu giảm nghèo bền vững, trách nhiệm, cách làm để đạt được kết quả của cán bộ, nhân dân có chuyển biến tích cực.

Ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã hình thành vững chắc, được cụ thể hóa thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh của huyện như lâm nghiệp, chăn nuôi.

Đến hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 28,29%, giảm 7,32 so với năm 2018; cận nghèo 20,36%; toàn bộ hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công đã thoát nghèo.

Cũng theo ông Ngạn, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo, sử dụng các nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển KT-XH, tiếp tục nâng dần điều kiện sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; mời gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Tập trung tuyên truyền, vận động, làm cho người nghèo tự ý thức, xác định quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ