6 giải pháp triển khai thành công chương trình tín dụng học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Sau 15 năm triển khai, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Lựa chọn 6  giải pháp hiệu quả, phù hợp là «bí kíp» giúp chương trình được thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa sâu rộng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà làm thủ tục vay vốn cho học sinh, sinh viên
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà làm thủ tục vay vốn cho học sinh, sinh viên

1.  Sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ

Thường trực Chính phủ đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) trong việc bố trí nguồn vốn, hướng dẫn qui trình thủ tục cho vay cụ thể, đơn giản, thuận lợi.

Thông qua các cuộc họp giao ban giữa các Bộ, ngành liên quan đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như phối hợp chặt chẽ và đồng thuận giữa các Bộ, ngành trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV.

2. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương

 Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình tín dụng HSSV.

Sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là chính quyền cấp xã về chủ trương, chính sách cho vay đối với HSSV, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hạn chế tiêu cực, lợi dụng chính sách.

3. Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội

Chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc, với sự vào cuộc và tham gia tích cực của 4 tổ chức Hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Các Tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác đã chỉ đạo thành lập tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn, phối hợp tốt với NHCSXH, do đó chương trình tín dụng HSSV đã nhanh chóng được tuyên truyền rộng khắp đến với mọi người dân, các Tổ TK&VV không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động.

4. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát

Hàng năm, NHCSXH đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện công tác kiểm tra theo nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau.

Từ khi thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Chính phủ, qua 11 đợt kiểm tra của Đoàn liên ngành cấp Bộ, đã kiểm tra tại 67 quận, huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố; 162 xã, phường với 2.076  hộ vay, 391 Tổ TK&VV; 103 cơ sở đào tạo với 1.405 HSSV.

NHCSXH đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp, đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV tại các xã, phường, tổ TK&VV, hộ vay.

Qua kiểm tra để kịp thời phát hiện đối tượng được vay sử dụng sai mục đích, xác nhận sai đối tượng… hoặc nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện cho vay.

5. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền

Công tác thông tin, tuyên truyền đã được nhiều cấp, nhiều ngành, NHCSXH cùng thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như: tuyên truyền qua báo, đài, website vay vốn đi học, tại các điểm giao dịch xã, phường.

Nội dung chương trình được tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, sự vào cuộc của các cơ quan báo, đài tại Trung ương và địa phương, nên chương trình đã có sức lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ.

Nhờ đó người dân cũng như các cấp, các ngành được biết, hiểu cùng phối hợp với NHCSXH để tổ chức thực hiện và giám sát lẫn nhau đảm bảo chương trình được thực hiện công khai dân chủ, kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót để khắc phục.

6. Sự cố gắng nỗ lực của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách mà Chính phủ giao, NHCSXH đã quán triệt và tích cực chỉ đạo toàn hệ thống bám sát sự chỉ đạo của thường trực Chính phủ, phối hợp tốt với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình.

Trong quá trình triể khai thực hiện, NHCSXH thường xuyên tham mưu cho các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ việc nâng mức cho vay, điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp với tình hình thực tế và sự biến đổi nền kinh tế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Chương trình tín dụng HSSV nói riêng cũng như các chương trình tín dụng khác của NHCSXH nói chung là việc ngân hàng đã xây dựng được mô hình tổ chức quản trị đặc thù, phát huy được vai trò của hệ thống chính quyền và tính dân chủ từ cơ sở.

HĐQT ở cấp Trung ương và Ban đại diện HĐQT ở cấp tỉnh và huyện gồm lãnh đạo chính quyền và các ngành, đoàn thể liên quan. Với phương thức thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị- xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) thông qua Tổ TK&VV tại các thôn, bản.

Việc bình xét các đối tượng được vay vốn cũng như quản lý vốn, thu hồi nợ thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng. Nhờ đó mà không chỉ quản lý vốn vay tốt mà NHCSXH còn thực hiện được việc giao dịch tại xã, giảm bớt nhiều chi phí, thủ tục cho người vay.

Công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chương trình tín dụng ưu đãi đến được với mọi người dân, giúp nâng cao ý thức của người vay về việc sử dụng vốn đúng mục đích.

Các chương trình tín dụng cũng được địa phương lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm góp phần giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.

Riêng với Chương trình tín dụng HSSV, một trong những giải pháp đột phá là vốn giải ngân chuyển từ cho cá nhân HSSV vay sang hộ gia đình của HSSV.

Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của người vay và người sử dụng vốn vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời cùng gánh vác trách nhiệm trong việc trả nợ vốn vay khi đến hạn.

Chương trình tín dụng đối với HSSV nhằm mục đích sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, tạo cơ hội thực sự HSSV có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục con đường học tập của mình, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ