15 năm thực hiện chương trình tạo sự bình đẳng trong giáo dục

GD&TĐ - Để phát triển toàn diện nền giáo dục, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực này. Một trong những chính sách quan trọng đó là chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). 

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên

Chính sách đúng đắn, kịp thời

Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 1998 với tổng số tiền là 160 tỷ đồng. Mục đích cho vay lãi suất ưu đãi đối với HSSV đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phải có học lực khá trở lên với mức cho vay là 150 ngàn đồng/người/tháng và cho vay trực tiếp đối với HSSV; giao cho Ngân hàng Công thương Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2003, Quỹ tín dụng đào tạo được chuyển từ Ngân hàng Công thương sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng nguồn vốn là 160 tỷ đồng, trong đó đã sử dụng cho vay là 76 tỷ đồng, với 38 nghìn học sinh vay vốn, trong đó nợ quá hạn là 9,9 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ.

Năm 2006 đánh dấu những thay đổi về chính sách, điều kiện vay vốn của chương trình, như: đối tượng vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn (gồm HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo) đang học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên.

Mức cho vay là 300 ngàn đồng/học sinh/tháng. Phương thức cho vay được chuyển từ cho vay trực tiếp với HSSV sang cho vay hộ gia đình. Theo đó, hộ gia đình là người đại diện cho HSSV trực tiếp vay vốn và trả nợ Ngân hàng. Kết quả đến tháng 9/2007, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 100 ngàn HSSV, với tổng dư nợ đạt 298 tỷ đồng.

Năm 2007, chính sách vay vốn tạo điều kiện và mở rộng nhiều hơn cho các đối tượng là HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm.

Lãi suất cho vay, mức cho vay của Chương trình được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ. HSSV trong thời gian đang theo học tại các cơ sở đào tạo và tối đa một năm sau khi ra trường người vay chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay. Trường hợp trả nợ trước hạn được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay.

Tháng 10/2009, đối tượng thụ hưởng từ chương trình tín dụng đối với HSSV được bổ sung thêm đối tượng là Bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn để học nghề.

Trong năm 2015, 2016, đối tượng vay vốn được mở rộng thêm: Đối tượng HSSV tham gia đào tạo nghề đối với người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề cũng được tiếp tục vay vốn tín dụng.

Đặc biệt, tháng 1/2017, người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế được vay vốn tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là quyết định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giúp hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập.

3,5 triệu lượt HS, SV được vay vốn để chi phí học tập

Theo tổng kết của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 30/9/2017, chương trình đã giúp cho trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập. Đến nay chỉ còn hơn 651 ngàn hộ gia đình đang vay vốn cho gần 737 nghìn HSSV đi học.

Số liệu tổng kết từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy tỷ lệ hộ nghèo vay vốn tín dụng HSSV biến động giảm qua các năm, trong khi đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo và đối tượng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính lại chiếm tỷ lệ lớn và có mức tăng ổn định qua các năm.

Xu hướng diễn biến này là hợp lý bởi vì với Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đối tượng vay vốn được mở rộng hơn, đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính cũng được xem xét cho vay vốn.

 Mặt khác tỷ lệ hộ nghèo năm sau đều giảm so với năm trước. Riêng đối tượng thuộc diện hộ gia đình khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình nhu cầu vay vốn của đối tượng khó khăn tăng cao, tuy nhiên đến tháng 8/2010, NHCSXH và các Bộ ngành đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng nếu hộ vay vốn không còn khó khăn thì sẽ không tiếp tục được thụ hưởng sự ưu đãi nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách.

Sau 15 năm triển khai,  chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Tạo được sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Tạo được sự bình đẳng trong giáo dục và góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cho vay theo trình độ đào tạo, tính đến 30/9/2017

- Sinh viên học Đại học: dư nợ là 10.135 tỷ đồng, với gần 439 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 59,57% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Sinh viên học Cao đẳng: dư nợ là 4.427 tỷ đồng, với 227,4 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 30,85% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- HSSV học Trung cấp: dư nợ là 901 tỷ đồng, với 56,2 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 7,63% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- HSSV học nghề: dư nợ là 225 tỷ đồng, với 14,4 ngàn HSSV dư nợ chiếm 2% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.