"Thôi miên’ cả nông dân và đại gia Việt, mắc ca có thực sự là cây tỷ đô?

Cả nông dân và đại gia Việt đều bị “thôi miên” khi biết đến những giá trị lớn lao của cây tỷ đô mắc ca.

"Thôi miên’ cả nông dân và đại gia Việt, mắc ca có thực sự là cây tỷ đô?

“Hoàng hậu quả khô”
Từ cuối năm 2014, cây mắc ca làm “nóng” tại thị trường Việt Nam khi hàng loạt hội thảo về loại cây này được tổ chức liên tục. Trong các hội thảo, mắc ca được giới thiệu là “cây tỷ đô”, hứa hẹn mang lại nguồn thu khổng lồ cho nông dân Việt Nam. Thậm chí, mắc ca còn được kỳ vọng sẽ vượt cây cà phê về giá trị kinh tế .

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đưa cây mắc ca vào Việt Nam khẳng định mắc ca rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Nguyên, Tây Bắc. Mắc ca đem lại giá trị kinh tế, xã hội lớn, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Mắc ca có giá trị kinh tế lớn vì vốn đầu tư ít, phù hợp với tập quán canh tác của bà con. Mắc ca đắt giá vì có hàm lượng dinh dưỡng ca rất cao, bao gồm chất béo 80%, chất đạm 9,2%, đường 7,9%, chất sơ 6,4%, Vitamin B, Calcium, sắt và phospho. Trong nhân mắc ca còn chứa nhiều đường bột, chất khoáng, nhiều loại vi ta min. Vì vậy, hạt mắc ca được đánh giá rất tốt cho sức khỏe .

Cây mắc ca đang "nóng" ở Việt Nam
Cây mắc ca đang "nóng" ở Việt Nam

Hạt mắc ca được bán với mức giá cao ngất ngưởng. Tại Việt Nam, hạt mắc ca loại còn vỏ cứng chưa nứt hạt có giá từ 300.000 tới 350.000 đồng/kg, loại còn vỏ đã nứt hạt có giá 400.000 đồng/kg, loại nhân đã tách vỏ được bán khoảng 1 triệu đồng/kg.

Trong những hội thảo về mắc ca, các chuyên gia tin rằng một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 héc ta và có thể đạt được kim ngạch 1 tỷ USD xuất khẩu.

Vì vậy, mắc ca được gọi là “hoàng hậu quả khô” hay " nữ hoàng tỷ đô ".

Đổi đời nhờ mắc ca
Cây mắc ca đã được nhập về trồng ở Việt Nam từ những năm 1993. Đầu tiên, cây được trồng thử nghiệm đầu tiên tại Ba Vì (Hà Nội) sau đó được trồng tại Đak Lak, Lâm Đồng (Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà).

Vì phải mất gần 10 năm cây mới cho năng suất ổn định nên gần đây kết quả của đợt trồng thử nghiệm mới lộ diện. Năm 2014, nhiều tờ báo đã "vinh danh" một số gương mặt đầu tiên đổi đời vì mạo hiểm trồng mắc ca.
Theo Vnexpress, gần 10 năm trước, trong lúc chưa có người trồng mắc ca nào thành công tại vùng núi phía tây Thanh Hóa, anh Phạm Hữu Tú (Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa) vẫn dám chặt “non” gần 2ha luồng để dành đất cho mắc ca - loại cây lần đầu tiên nghe tên.
Đến nay, sau một thời gian dài chăm sóc, nhiều ha mắc ca của anh Tú đang đúng thời điểm sinh trưởng tốt, sản lượng quả ngày càng tăng, giá bán ổn định ở mức 60.000-80.000 đồng một kg, mỗi năm thu về 300-400 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây mắc ca, nhiều hộ dân quanh xã và các khu vực lân cận cũng bắt đầu cải tạo diện tích đồi để trồng. Họ mua giống cây từ anh Tú.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở Lâm Đồng cũng được báo chí “điểm danh” vì đã trồng cây mắc ca được 6 năm. Sau 4 năm, cây đã cho mùa thu hoạch đầu tiên 100 triệu, năm tiếp theo hơn 300 triệu và năm nay gia đình đã cầm chắc 400 triệu đồng lãi từ mắc ca.
Đại gia cũng vào cuộc
Một số người nông dân đã gặt hái được chút thành công từ mắc ca nên giới đại gia cũng vào cuộc. Theo phản ánh của Vietnamnet, hiện trên địa bàn Tây Nguyên đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn đổ xô lên tìm đất trồng mắc ca.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt rất quyết tâm với đề án trồng cây mắc ca
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt rất quyết tâm với đề án trồng cây mắc ca

Những doanh nghiệp theo đuổi lâu dài có thể kể đến Vina Macca, Nữ hoàng Macca, DoNafood... Tập đoàn Nomurra Nhật Bản đã cử hẳn một đoàn chuyên gia ở Tây Nguyên tìm kiếm cơ hội kinh doanh mắc ca.

Hàng loạt doanh nghiệp trong nước đã lên Tây Nguyên gom đất. Một doanh nhân nổi tiếng về sản xuất đồ làm móng tay đã có 1.000 ha ở Tây Nguyên, Tập đoàn AnhGroup có khoảng 200 ha. Đặc biệt, Tập đoàn Him Lam đã cùng tỉnh Lâm Đồng phát triển dự án trồng - chế biến mắc ca quy mô lớn dự kiến 100.000 ha đến năm 2020.

Tuy nhiên, vào cuộc rầm rộ nhất có thể kể đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Cùng với Him Lam, LienVietPostBank thậm chí đã xây dựng đề án Thay đổi giống cây trồng – Phát triển cây mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên.

Đề án này dự báo có thể phát triển mắc ca thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm Mắc-ca phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ...

Về quy mô, tháng 4 năm ngoái, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank đưa ra con số dự kiến ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng. Nhưng tới đầu tháng 2 năm nay, con số này được nâng lên gấp đôi trên 20.000 tỷ đồng.

Để thể hiện quyết tâm của mình, ông Hưởng khẳng định: “Không ai làm thì tôi cũng tự trồng”. Điều đó cho thấy cây mắc ca được đánh giá cao như thế nào ở Việt Nam.

Có thực sự là cây tỷ đô?

Tuy nhiên, trên TBKTSG và Đất Việt, GS Đinh Xuân Bá đã đưa ra những con số kém lạc quan hơn những gì mà các chuyên gia công bố trong những cuộc hội thảo giới thiệu mắc ca. Ông Bá thậm chí còn đánh giá những con số được giới thiệu là “dữ liệu hoang tưởng”.

Theo ông bá, để có các dữ liệu khách quan và chính thống thì phải nghiên cứu và khai thác một cách chuyên nghiệp các tư liệu của Cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc và Trung tâm thương mại quốc tế ,…

Dựa vào số liệu của 5 nước có sản lượng mắc ca cao nhất là Nam Phi, Australia, Guatemala, Hà Lan và Zimbabwe, có thể thấy trong hai năm 2012 và 2013 thì đơn giá trung bình của hạt mắc ca nguyên vỏ trong 2 năm 2012 và 2013 là 4,27USD/kg .

Nếu không xét giá xuất khẩu của Hà Lan (vì giá cao đột xuất) thì đơn giá trung bình của hạt mắc ca nguyên vỏ 2 năm 2012 và 2013 là 4,19USD/kg, thấp hơn nhiều so với con số 15 USD/kg mà các chuyên gia giới thiệu.

Với những chênh lệch số liệu kể trên, GS Đinh Xuân Bá khẳng định: “Những người có trách nhiệm cũng cần dựa trên những số liệu đáng tin cậy để phân tích, tính toán bài toán kinh tế sát nhất để tránh những con số ‘vẽ’ về một tương lai phiến diện màu hồng với mắc ca”.

Theo tính toán của GS Đinh Xuân Bá, trong năm 2013, đối với hạt mắc ca nguyên vỏ, tốc độ giảm đơn giá sau một năm của Nam Phi là 19,73%, của Australia là 24,66%, của Guatemala là 36,75%, của Hà Lan là 36,42%.

Từ đó có thể tính được tốc độ trung bình giảm đơn giá (sau một năm) của Nam Phi, Australia, Guatemala, Hà Lan là 24,52%. Nói cách khác, sau khi xét cả tốc độ giảm giá thì đơn giá trung bình của hạt mắc ca nguyên vỏ là 3,16 USD/kg.

Ngày 11/6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát cũng đã đưa ra cảnh báo về "trào lưu" trồng cây mắc ca của nông dân. Bộ trưởng Cao Đức Phát khuyên người dân nên thận trọng khi trồng “cây tỷ đô”.

Bởi lẽ, cây mắc ca không phải là cây trồng của nước ta, mà nguồn gốc từ nước Úc.

Bộ trưởng Phát cũng cho biết, ông đã mời chuyên gia Úc sang và họ khuyên, Việt Nam chỉ cần trồng khoảng 10 – 15 ha, nhưng làm thật tốt, có khả năng cạnh tranh cao, đừng chạy theo trồng hàng trăm nghìn ha để rồi sụp đổ. 

Ngoài ra, chuyên gia Úc cũng khuyên, chỉ nên trồng 10 giống mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã khảo nghiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam, không nên trồng các loại giống khác. 

"Nếu cứ chạy theo trồng hàng trăm nghìn ha, thì có thể chúng ta sẽ bị sụp đổ. Còn trồng ở đâu, tôi cho rằng phải trồng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công, trồng những giống đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công nhận", ông Phát nhấn mạnh.

Về quy hoạch thế nào, ông Phát cũng cho biết, sẽ cố gắng hoàn thành quy hoạch trong năm nay để công bố cho các địa phương. Song theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, từ nay đến năm 2020 chỉ trồng trên dưới 10.000ha.

Theo VTC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ