Thổi hồn nhân cách, đạo đức cho học sinh qua môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Môn Giáo dục công dân hướng tới một mục tiêu chung là rèn luyện nhân cách đạo đức cho học sinh song song với việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em.

Thầy trò Trường THPT Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) trong giờ học Giáo dục công dân.
Thầy trò Trường THPT Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) trong giờ học Giáo dục công dân.

Là giáo viên đảm nhận dạy bộ môn Giáo dục công dân nhiều năm, tôi đã dành rất nhiều tâm huyết cho bộ môn của mình, bởi tôi hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong việc hình thành nhân cách đạo đức cho học sinh.

Tôi muốn thông qua bộ môn này để bồi dưỡng cho các em những tư tưởng lành mạnh, cảm hứng sống tích cực với phương châm: Suy nghĩ tích cực; lời nói tích cực và hành vi tích cực.

Bộ môn Giáo dục công dân hướng tới một mục tiêu chung là rèn luyện nhân cách đạo đức cho học sinh song song với việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em. Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân.

Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Những bài học giáo dục từ trang sách công dân sẽ thấm dần vào tâm hồn, chuyển hóa các em tự rèn luyện cho mình những phẩm chất tốt đẹp. Tôi thường nói với học sinh lời của cố Giáo sư Văn Như Cương: “Cho dù sau này các em có là bất cứ ai thì trước hết, các em phải là những người tử tế!”. Và tôi đã lấy đó làm mục tiêu giáo dục học sinh của mình qua từng tiết học.

Cô Lương Thị Hiên và học trò trong giờ học Giáo dục công dân. Ảnh: NVCC

Cô Lương Thị Hiên và học trò trong giờ học Giáo dục công dân. Ảnh: NVCC

Có “yêu” thì mới “thích”

Kiến thức của bộ môn Giáo dục công dân không khó như một số môn học khác. Với bộ môn Giáo dục công dân thì không khó để dạy cho học sinh hiểu, nhưng phải dạy làm sao cho học sinh “thấm”. Các em phải thấm được vào mình những câu chuyện đạo đức, những câu chuyện pháp luật thì các em mới lấy đó làm bài học cho mình.

Phải dạy cho học sinh biết rung động trước những hành vi tốt, biết căm phẫn cái xấu, cái ác, biết sống bao dung, biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ. Sống với lòng hiếu thảo, biết ơn… Dạy cho học sinh biết vui với cái vui của người khác. Đau với nỗi đau của người khác, không dửng dưng vô cảm với mọi người.

Muốn đạt được mục đích đó thì chúng ta cần phải thực sự đầu tư tâm huyết cho từng giờ học công dân để làm sao cho giờ học sinh động, không nhàm chán thì mới thu hút được sự tập trung chú ý học tập của các em.

Bởi dĩ, môn Giáo dục công dân vốn được nhiều thầy cô và các bậc phụ huynh xem là môn phụ, thậm chí một số người còn nói là: Nó là môn học phụ nhất trong những môn phụ. Với cách nghĩ đó đã phần nào ảnh hưởng đến thái độ học của học sinh với bộ môn này. Với các em, đây là một môn học khô khan, thiếu hấp dẫn, kiến thức thì lại dễ… nên đa phần các em thường có thái độ hời hợt khi học.

Nắm bắt được tâm lý đó của học sinh, nên tôi đã quyết tâm phải biến những giờ học công dân của mình thành những giờ học được các em yêu thích nhất. Có “yêu” thì các em mới “thích” được; mới cảm thụ và tiếp nhận được một cách có hiệu quả những bài học làm người được đúc kết trong từng trang sách. Phải để các em chuyển hóa được từng đơn vị bài học vào ngay trong cuộc sống thực tiễn của mình bằng hành động thiết thực hàng ngày.

Để dạy bộ môn Giáo dục công dân hiệu quả nhất, tôi luôn cập nhật những thông tin mang tính thực tế trong đời sống. Liên hệ thực tế là phương pháp tạo ra những điều kiện thuận tiện cho học sinh suy nghĩ đến những vấn đề đang diễn ra trong thực tế có liên quan đến nội dung bài học, thông qua các thông tin, hình ảnh, sự kiện, câu chuyện pháp luật có thật trong cuộc sống, mang tính thời sự, thực tiễn, các vấn đề bức xúc trong xã hội để phân tích, đối chiếu, minh họa cho bài giảng.

Trên cơ sở đó, học sinh được bộc lộ thái độ, ý kiến, cách làm riêng của mình, hoặc so sánh, đối chiếu với nội dung bài học để hiểu sâu sắc hơn điều cần học. Học sinh cũng có thể so sánh, đối chiếu thái độ, hành vi của mình với nội dung bài học để củng cố những mặt tốt, kịp thời sửa chữa sai lầm, điều chỉnh hành vi. Cứ như vậy, các em đã rèn được kỹ năng sống cho mình qua những trải nghiệm từ những câu chuyện.

Để giờ học sinh động, thì ngoài những dữ liệu trong sách giáo khoa đã được các nhà biên soạn chọn lọc rất kỹ càng và hiệu quả, tôi còn vận dụng thêm các tranh ảnh, video có nội dung liên quan đến bài học để minh họa cho học sinh dễ tiếp thu bài học.

Và đặc biệt hiệu quả hơn là tôi đã vận dụng những phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực vào giờ học để học sinh không bị nhàm chán khi cho rằng những bài học công dân chỉ mang tính giáo điều, khô khan. Tôi thường cho các em tổ chức các trò chơi đóng vai để giải quyết những tình huống thực tế trong cuộc sống, rồi từ đó rút ra bài học.

Hay cho các em thảo luận nhóm, đúc kết những bài học bằng cách cho các em liên hệ với thực tế để tự nói lên những suy nghĩ, những phản biện của mình trước một vấn đề xảy ra xung quanh các em, ngay trong cuộc sống thường ngày.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Albert Einstein, TP Hà Tĩnh trong giờ học Giáo dục công dân.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Albert Einstein, TP Hà Tĩnh trong giờ học Giáo dục công dân.

Hãy trở thành những công dân tốt

Với học sinh THPT, tôi còn có thêm những hoạt động trải nghiệm như tổ chức những “Phiên tòa giả định” do các em viết kịch bản, đóng vai theo những tình huống giả định giống thực tế, liên quan đến phòng chống ma túy, hay bạo lực học đường để tuyên truyền pháp luật cho các em một cách thấm nhuần và sâu sắc nhất.

Lần lượt từ những bài học công dân trong chương trình các khối lớp, tôi đều lồng ghép vào cho các em những bài học làm người, định hướng cho các em sự hình thành nhân cách theo con đường hướng thiện.

Ví dụ như khi dạy bài: “Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân” (GDCD 9), tôi đã cho các em đúc kết bài học sau 2 tiết dạy bằng cách các em vẽ sơ đồ minh họa nói lên ước mơ về một nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Tôi nói với các em rằng, lớn lên, các con làm nghề gì cũng được nhưng nhất thiết các con phải gắn vào đó chữ “Tốt”. Là bác sĩ thì phải là bác sĩ tốt. Là giáo viên phải là giáo viên tốt; là người chủ nhà hàng thì phải là chủ nhà hàng tốt; là nông dân thì phải là nông dân tốt… Với từ khóa “Tốt” đó, học sinh phải suy nghĩ vẽ các nhánh ý tiếp theo của sơ đồ: Bác sĩ tốt là người bác sĩ như thế nào; Là giáo viên tốt thì phải có những phẩm chất gì?...

Nhưng vui và ý nghĩa nhất là những bài học từ trang sách, tôi đã chuyển hóa được tâm hồn các em. Bài tập về nhà môn Giáo dục công dân của tôi không chỉ là những bài tập trong sách giáo khoa, tôi còn ra rất nhiều bài tập ứng dụng thực hành trong đời sống hàng ngày.

Tôi khuyến khích các em có cuốn sổ mang tên: “Sổ tay rèn luyện” để ghi lại những việc tốt mình đã làm được, từ những việc nhỏ hàng ngày trong gia đình cho đến những việc nơi lớp học hay cộng đồng. Mục đích là để rèn luyện cho các em những thói quen tốt hàng ngày.

Nhiều em ở nhà làm được việc tốt nào đều đến kể với cô, nào là biết giúp đỡ người khác, biết chăm sóc ông bà khi về quê. Có em kể là hôm qua có bà ăn xin đi vào xóm em. Em đang chơi ngoài đường, em đoán thế nào bà cũng vào nhà em, thế là em chạy về nhà mở cửa lấy 1 bơ gạo và 10 nghìn đồng, ngồi đợi bà vào rồi đưa cho bà bằng cả 2 tay như lời cô dặn.

Có em kể: Hôm qua sinh nhật em, em nói với mẹ em rằng: Hôm nay, sinh nhật con, người đầu tiên con cảm ơn là mẹ. Con cảm ơn mẹ vì ngày này cách đây 12 năm, mẹ đã chịu bao đau đớn để sinh ra con, rồi chăm sóc con được như ngày hôm nay. Con biết ơn mẹ rất nhiều. Con yêu Mẹ! Em kể là em nói xong mẹ ôm chầm lấy em, rồi thơm vào má em rất nhiều. Và mẹ em đã khóc cô ạ.

Hay có học sinh đi học về trên đường đi thấy rác tắc cống nước chảy đã dừng lại để bới rác lên vứt đi cho thông cống nước, sau khi nghe, tôi cho các em đọc những câu chuyện kể về những thói quen tốt của con người, những hành động nhỏ nhưng thể hiện nhân cách tốt.

Những chuyển biến của các em như vậy làm tôi rất vui. Và vui hơn nữa khi thấy các em hào hứng, yêu thích những giờ học Giáo dục công dân hơn. Điều đó đã tiếp thêm động lực cho tôi miệt mài đầu tư hơn cho từng bài giảng. Tôi thấy vui và hạnh phúc vì đã làm được những điều ý nghĩa cho cuộc đời. Làm tròn sứ mệnh của nghề Thầy cao cả.

Tôi thực sự hạnh phúc khi được giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân. Như tên gọi của nó, tôi đã ý thức được sứ mệnh thiêng liêng cao cả của môn học này với trách nhiệm thổi hồn nhân cách, đạo đức cho học sinh qua bộ môn Giáo dục công dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.