'Thời điểm vàng' đẩy mạnh quảng bá di sản

GD&TĐ - Quảng bá di sản chưa lúc nào thuận lợi như hiện nay vì được quan tâm cả ở góc độ chính sách, quản lý Nhà nước lẫn sự quan tâm, đề cao của cộng đồng.

Quảng bá di sản văn hóa cần sự liên kết của ngành du lịch để thúc đẩy sự tương tác với công chúng.
Quảng bá di sản văn hóa cần sự liên kết của ngành du lịch để thúc đẩy sự tương tác với công chúng.

Để di sản không bị lãng quên, nhiều triển lãm hiện vật, trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và trên các nền tảng mạng xã hội đã được tổ chức, thu hút công chúng yêu mến văn hóa thưởng lãm.

Tuy nhiên, xu hướng hưởng thụ văn hóa của người dân đang dần chuyển sang hoạt động du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh…

Di sản bị thất truyền

Tại hội thảo “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Bộ VH,TT&DL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thừa nhận: Nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều.

Theo phân tích của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ, đưa di sản vào danh mục quốc gia hoặc quốc tế được công nhận, nhưng thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển.

Nhiều địa phương còn đang lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị, nguyên tắc thực hành… dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản.

Có thể thấy, đó là những hạn chế dễ nhìn thấy nhất của ngành văn hóa. Ngay đối với loại hình di sản tư liệu, đến nay Việt Nam chưa có quy định về bảo tồn và phát huy, mặc dù đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám); 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn, Văn bản Hán Nôm Trường Lưu).

Các di sản tư liệu này từ khi được ghi danh vẫn trong tình trạng “nằm kho” vì chưa hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý Nhà nước, như xây dựng các quy định, dự thảo kiểm kê, đề xuất các nội dung quản lý.

Nhưng ngay cả lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dù đã hoàn thiện quy định về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhưng đôi khi di sản vẫn khó được giới thiệu và lan toả tới công chúng.

Như di sản hát Dặm Quyển Sơn (Kim Bảng - Hà Nam) mặc dù đã được tôn vinh nhưng vẫn chưa đủ sức bay xa, chỉ mang yếu tố cộng đồng địa phương. Trong khi một thực tế đáng lo là lớp nghệ nhân cao tuổi mất dần đi mà lớp trẻ ít mặn mà, dẫn tới việc gìn giữ đã khó, việc quảng bá gần như không thể.

Hoàng hoa sứ trình đồ - 1 trong 9 di sản tư liệu độc đáo của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Hoàng hoa sứ trình đồ - 1 trong 9 di sản tư liệu độc đáo của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Liên kết để lan tỏa văn hóa

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay, để lan tỏa giá trị của 82 bia Tiến sĩ, những năm qua đơn vị đã dịch nội dung khắc trên các văn bia sang tiếng Anh và xuất bản sách bằng tiếng Anh, tổ chức các trưng bày chuyên đề về bia Tiến sĩ, thực hiện công tác truyền thông quảng bá…

Mọi hoạt động bảo tồn, tu bổ, phát huy đều cần phải xin ý kiến các cấp, kể cả việc vệ sinh cơ học nhằm loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn gây hại trên bề mặt bia đá.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cách thức hiệu quả để quảng bá di sản đến với cộng đồng, ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu, dịch tài liệu tiêu biểu, đưa di sản đến với học đường thì Trung tâm còn thông qua các nền tảng mạng xã hội, qua các trưng bày chuyên đề và triển lãm.

Hiện nay, các hoạt động trưng bày chuyên đề không chỉ là cách thức truyền thống mà còn là thế mạnh của các bảo tàng. Với đặc trưng không gian rộng, địa điểm cố định, việc sắp đặt trưng bày hiện vật theo chủ đề đem lại chiều sâu cảm nhận cho khách tham quan. Tận dụng công nghệ, các triển lãm 3D trực tuyến cũng được tiến hành giúp công chúng nhìn rõ hiện vật như trực tiếp đến xem.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, việc lan toả di sản nói chung và bảo vật quốc gia vẫn được các bảo tàng tiến hành đều đặn: “Như một món ăn tinh thần, hàng năm các bảo vật vẫn xuất hiện trên một diện tích trưng bày chuyên đề. Còn nếu là trưng bày thường xuyên thì luôn có một vị trí cố định để công chúng thưởng lãm”.

Ông Đà cho rằng, quảng bá di sản chưa lúc nào thuận lợi như hiện nay vì được quan tâm cả ở góc độ chính sách, quản lý Nhà nước lẫn sự quan tâm, đề cao của cộng đồng.

Tại Hà Nội, từ UBND thành phố cho tới Sở Văn hóa - Thể thao hàng năm đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch hoạt động cho chương trình của năm kế tiếp để các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo vật quốc gia cũng như lĩnh vực phi vật thể chủ động tổ chức sự kiện.

Còn nếu có khó khăn là do không có sự đồng bộ, thiếu sự liên kết, đồng hành từ các ngành khác, đặc biệt là ngành du lịch để thu hút khách, cùng cộng đồng và nghệ nhân thực hiện việc quảng bá.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, sắp tới Bộ VH,TT&DL cần đưa ra các định hướng trọng tâm và chi tiết để làm sao di sản đã dược ghi danh phát huy hết tác dụng. Chúng ta không thể cái gì cũng đổ lỗi cho Nhà nước mà phải đôn đốc, đòi hỏi trách nhiệm của các cộng đồng văn hóa, đoàn thể nắm giữ và sử dụng di sản ấy như thế nào.

“Hiện nay, xu hướng người dân là hưởng thụ văn hóa kết hợp du lịch, đặc biệt du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh. Nếu muốn di sản lan toả thì phải gắn với du lịch. Tôi từng đi một số nước, dù bề dày văn hóa của họ không thú vị như ở Việt Nam, nhưng rồi ngẫm lại mới thấy họ tài ở sự liên kết liên ngành để dẫn dắt khách du lịch nhìn thấy được vẻ đẹp văn hóa của họ”, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ