Cẩn trọng trong quảng bá, khai thác di sản

GD&TĐ - Kế hoạch đưa động Thiên đường thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), nơi được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, thành một trong ba địa điểm tổ chức 

Cẩn trọng trong quảng bá, khai thác di sản

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017 tại Việt Nam; mặc dù chỉ mới là ý tưởng nhưng đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, lo ngại xung quanh vấn đề ứng xử với di sản.

Cơ hội quảng bá du lịch

Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế (M.G.I) 2017 đã quyết định chọn động Thiên đường là nơi tổ chức phần thi trang phục truyền thống các dân tộc từ ngày 15 - 19/10. Ngành du lịch Quảng Bình thì kỳ vọng,với sự phủ sóng lớn ở nhiều đài truyền hình trên thế giới, hình ảnh Quảng Bình sẽ có nhiều cơ hội lan tỏa, tạo thêm điều kiện để quảng bá du lịch.

Còn hơn nửa năm nữa mới diễn ra, song ý tưởng tổ chức một cuộc thi quy mô quốc tế trong lòng hang động đã làm dấy lên không ít lo ngại về ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường hang động.

Thời gian qua, hàng loạt di sản đã phải “kêu cứu” vì ứng xử của con người. Cách đây không lâu, việc tổ chức những bữa tiệc trong lòng hang động thuộc kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gây bức xúc dư luận chính là bài học cho sự quản lý dễ dãi làm phương hại di sản.

Theo GS. TS Trần Lâm Biền, động Thiên đường là quần thể nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2. Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn khai thác thì cũng nên khai thác sao cho đúng để làm nổi bật được vẻ đẹp tự nhiên, giá trị của danh thắng đó.

Nếu tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế tại động Thiên đường, với hàng nghìn người có mặt cùng lúc tại động, ánh đèn, sân khấu, âm thanh, tất cả các yếu tố kỹ thuật… sẽ ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan trong động. Đấy là chưa nói đến ý thức của người đến xem cuộc thi, sẽ không phải ai cũng có ý thức giữ gìn giá trị di sản thế giới. Ai dám chắc là sẽ không có một số người cậy thạch nhũ, lấy viên đá, vốn dĩ đã bị lấy đi ít nhiều trước đó. Động Thiên đường cũng là nơi không thể tùy tiện tổ chức sự kiện.

Khai thác phải gắn với bảo vệ di sản

Việc phát triển du lịch, quảng bá các địa điểm di tích, di sản của tỉnh Quảng Bình là điều cần thiết, tuy nhiên, dù mới chỉ là ý tưởng, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tổ chức cuộc thi hoa hậu trong động Thiên đường tỉnh Quảng Bình cần cân nhắc thấu đáo giữa quảng bá du lịch và bảo tồn di sản...

Theo TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nếu tổ chức ở trong Động Thiên đường sẽ tạo thành tiền lệ cho các hoạt động, sự kiện tiếp theo cũng muốn bắt chước tổ chức trong động. Hơn nữa, khi tổ chức Cuộc thi Hoa hậu tại động Thiên đường, độ nguy hiểm, độ an toàn cho những người tham gia sẽ gặp rủi ro cao hơn so với việc chúng ta tổ chức ở chỗ khác. Động Thiên đường được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tức là động Thiên đường không chỉ của riêng Việt Nam, Việt Nam chỉ là đại diện đứng ra bảo vệ, giữ gìn di sản này. Nếu chúng ta làm không tốt, thì UNESCO có thể sẽ tước danh hiệu nếu chúng ta vi phạm quy ước.

Động Thiên đường đang được khai thác một cách có hiệu quả với mức độ cho phép như ánh sáng vừa phải, hành lang hay hệ thống xe điện lên cửa hang cũng được đánh giá cao. Quảng Bình khai thác du lịch tốt nhưng tổ chức một cuộc thi ở đó lại là chuyện rất khác. Bởi tổ chức một sự kiện lớn lao sẽ đi kèm biết bao nhiêu hệ thống đèn chiếu, âm thanh, số lượng người vào và nhiều thứ dịch vụ khác, chắc chắn ảnh hưởng không tốt tới hệ sinh thái đặc thù của hang động.

Việc quảng bá, thúc đẩy khai thác du lịch từ di sản thiên nhiên là cần thiết, nhưng cần phải cẩn trọng và nhất thiết trên nguyên tắc tôn trọng di sản. Đó cũng là cách hướng đến việc làm du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.

Nhà nghiên cứu, GS.TS Trần Lâm Biền nêu quan điểm “Có nhiều cách khai thác di sản, biến di sản thành tài sản để phát triển kinh tế địa phương, nhưng phải thật khéo léo, trên cơ sở tôn trọng di sản”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.