Thời điểm thuận lợi để virus cúm phát triển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở vùng nhiệt đới, cúm A thường xảy ra vào mùa mưa. Đặc biệt người già, người có sức đề kháng kém và trẻ em dễ bị virus cúm A tấn công.

Người dân không được tự ý sử dụng Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc.
Người dân không được tự ý sử dụng Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc.

Nguy cơ biến chứng

Thời tiết nồm ẩm là thời điểm thuận lợi cho virus gây bệnh cúm A phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh ca Covid-19 có xu hướng tăng trở lại, tình trạng này đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Ở các vùng ôn đới, dịch cúm thường xảy ra vào mùa lạnh. Ở vùng nhiệt đới, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa hoặc các trường hợp tản phát xảy ra bất kỳ tháng nào trong năm. Cúm A có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi tiến triển nhanh và gây tử vong.

Cúm là bệnh có thể chăm sóc tại nhà, nhưng trẻ nhỏ sức đề kháng vốn yếu. Bên cạnh đó, với những trường hợp có bệnh nền, nếu chăm sóc không đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, suy hô hấp, suy tim, suy đa tạng...

BSCKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết, cúm A là một trong các bệnh cúm mùa phổ biến hiện nay. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp; tiếp xúc, chạm tay với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A.

Tỷ lệ mắc cúm A thường cao, đặc biệt là chủng cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2… Tỷ lệ tử vong do cúm A không cao (khoảng 1 - 4%). Song, đáng lo nhất là biến chứng nguy hiểm do cúm A gây ra.

Những biến chứng đó là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Người bệnh cúm A có thể lây lan bệnh một ngày trước khi khởi phát và kéo dài đến 7 ngày sau đó.

Thuốc mang bản chất hỗ trợ

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm các chủng virus cúm A, đặc biệt trẻ em. Lý do đầu tiên là vì trẻ chưa biết cách tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với những người xung quanh, môi trường mang mầm bệnh.

Trong khi đó, trẻ em thường tiếp xúc cùng nhau ở môi trường mầm non, trường học, khu vui chơi… Đó cũng là nơi mà virus cúm dễ lây lan. Trẻ nhỏ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng nên tỷ lệ nhiễm vi khuẩn, virus thông qua đồ vật rất cao.

Một nguyên nhân khác là do trẻ em có sức đề kháng còn non yếu. Do đó, hệ miễn dịch chưa tự sản xuất được kháng thể tự nhiên trong những năm đầu đời. Bên cạnh đó, virus cúm A có đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn, dễ lây lan và khả năng tồn tại lâu dài. Những yếu tố này khiến trẻ em dễ mắc bệnh.

“Tiêm ngừa cúm ngăn ngừa đến 90% nguy cơ mắc đối với 4 chủng virus có trong thành phần vắc-xin, ngăn ngừa được 60 - 80% nguy cơ nhiễm bệnh chung, tùy thuộc độ tuổi và khu vực lưu hành dịch. Vì virus cúm có hàng trăm tuýp, vắc-xin chỉ chứa 2 chủng A và 2 chủng B hay gặp nhất trong mùa dịch. Do đó, vắc-xin không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn 100%”, BSCKI Bạch Thị Chính cho biết.

Liên quan đến thuốc điều trị cúm, không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị bệnh tại nhà. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Tamiflu không phải là thuốc điều trị đặc hiệu của cúm A hay cúm B. Thực tế, Tamiflu mang bản chất là thuốc hỗ trợ, giúp giảm triệu chứng sớm của cúm.

Trong trường hợp Tamiflu được sử dụng đúng cách và trong vòng 24 giờ kể từ khi có triệu chứng bệnh, thuốc có thể giảm thời gian điều trị bệnh từ 2 - 3 ngày. Khi sử dụng Tamiflu từ 48 giờ sau khi có triệu chứng, kết quả điều trị là không có tác dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ