Không phải “thần dược”
Theo Cục Y tế dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn.
Người dân được khuyến cáo phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tiêm phòng vắc-xin hằng năm. Người có bệnh lý nền cần theo dõi, đến thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Theo báo cáo mới đây của Sở Y tế Hà Nội, đến khoảng giữa tháng 7, Thủ đô ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm. Tuy nhiên, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá chủ yếu người dân mắc cúm thông thường, không có độc lực mạnh. Việc số ca mắc cúm A tăng khiến người dân lo ngại. Thậm chí, không ít người tự ý mua thuốc Tamiflu về điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103, để điều trị cúm A, có thể dùng hạ sốt như Paracetamol, Ibuprofen. Sốt làm mất nước, tăng nhu cầu chuyển hóa. Do đó, bệnh nhân cần uống oresol.
Trong trường hợp ngạt mũi, có thể xịt nước muối biển sâu, nước muối sinh lý ấm, mũi đặc nhỏ Otrivin 0,05%, mũi xanh nhỏ Nemydexa, Mepoly… Tuy nhiên, người bệnh không tự ý dùng thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc chống viêm.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế - cho biết, không phải bệnh nhân cúm nào cũng phải dùng Tamiflu.
“80 - 90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu, bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị.
Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp X-quang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi”, bác sĩ Nguyệt giải thích.
Theo bác sĩ Nguyệt, Tamiflu là thuốc kháng virus. Tuy nhiên, không giống hầu hết kháng sinh, Tamiflu không có khả năng diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm.
Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi. Sau đó, men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới. Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể.
“Tuy nhiên, Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng”, bác sĩ Nguyệt khuyến cáo.
Nhóm cần điều trị
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm mùa. Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội là đơn vị thường trực, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm mùa trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác khám, thu dung, điều trị, chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh cúm mùa nói riêng. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển nặng, tử vong. Thực hiện tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Thường xuyên cập nhật, tập huấn, hướng dẫn công tác phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở y tế.
Những người cần điều trị bằng thuốc Tamiflu gồm bệnh nhân cúm với triệu chứng rõ ràng như sốt cao, kéo dài, liên tục, tổn thương phổi. Hoặc, những người thuộc nhóm dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch…
Bên cạnh đó, Tamiflu cũng gây ra một số tác dụng phụ. Trong đó, tác dụng phụ thường gặp nhất là có thể gây nôn ói. Ngoài ra, thuốc có thể gây tiêu chảy, nhức đầu, gây độc thận ở những người có bệnh thận.
“Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm. Đáng lo ngại, việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng”, bác sĩ Nguyệt nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Trần Thu Nguyệt, thay vì đợi khi có bệnh mới đi uống thuốc, người dân có thể chủ động phòng cúm bằng cách tiêm vắc-xin hằng năm. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch. Vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.
Đặc biệt, mọi người cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus cúm như Tamiflu, mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.