Chương trình có sự tham gia của các diễn giả gồm: Bà Đặng Ngọc Thủy – Giám đốc cao cấp Phân tích rủi ro, Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam; Bà Nguyễn Ngọc Lan – Giám đốc cao cấp Phụ trách kinh doanh, Ngân hàng HSBC Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Tú – Giám đốc Điều hành, VietAI; Ông Kevin Tùng Nguyễn – Tổng Giám Đốc – Sáng lập viên, JobHop; Ông Phan Chính – Giám đốc Điều hành, Intek, và có rất đông các bạn sinh viên đến từ những trường đại học ở TPHCM cùng dự.
Nhu cầu nhân sự trên thị trường đang thay đổi nhanh chóng
Theo Báo cáo Việc làm Tương lai năm 2018 được trình bày tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, dự kiến 75 triệu việc làm truyền thống sẽ được thay thế bằng máy móc, công nghệ tự động, robot và trí tuệ nhân tạo vào năm 2022. Nếu trước đây, sự phát triển này được cho là sẽ đe dọa trực tiếp đến nhóm lao động chân tay, thì hiện nay, với tình hình thực tế về tuyển dụng nhân sự tại các công ty ở khắp Mỹ, Anh, Singapore,... rõ ràng, công nghệ và tự động hóa sẽ có thể thay thế cả những lao động trí trức.
Nhóm sinh viên đang thảo luận cùng với chuyên gia để đưa giải pháp xử lý tình huống trong kinh doanh. (Ảnh. Tuấn Thụy) |
Ngay tại HSBC, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã được đẩy mạnh trong nhiều năm nay, trở thành một trong những chiến lược quản trị doanh nghiệp quan trọng nhất của tổ chức. Thay vì trước đây, việc lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu sẽ do con người phụ trách, thì nay, với việc ứng dụng điện toán đám mây, nhân viên có thể tự tra cứu tài liệu thông qua hệ thống Internet. Cùng với đó, việc đơn giản hóa quy trình cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhân lực và tài lực, mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Mặt khác, cùng với thách thức sẽ là cơ hội cho sự chuyển mình của thị trường nhân sự toàn cầu, nhiều ngành nghề mới được dự báo sẽ xuất hiện, phù hợp với nhu cầu phát sinh của thị trường. Do đó, bản thân người lao động cũng cần thay đổi để bắt kịp xu hướng mới, tự trang bị những kĩ năng mà không máy móc nào thay thế được.
Liệu robot có thể thay thế con người.
Tại Hội thảo Employability Skills –Your Future Skills năm 2019 với chủ đề “Liệu robot có thể thay thế con người?”, sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ, cùng nhau tìm hiểu và đưa ra giải pháp cho một tình huống kinh doanh giả định.
Đóng vai trò là những nhà tư vấn kinh doanh, sinh viên cần phải vận dụng kiến thức từ nhà trường cũng như các kĩ năng hỗ trợ và cách làm việc đội, nhóm hiệu quả nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh. Tuấn Thụy) |
Thông qua đó, một Hội đồng gồm những nhân sự cấp cao của HSBC Việt Nam, tổ chức VietAI và JobHop sẽ đưa ra nhận xét, lời khuyên và chỉ rõ những kĩ năng nghề nghiệp mà sinh viên cần chuẩn bị cho tương lai.
Bốn kĩ năng chính được các chuyên gia thảo luận gồm có kĩ năng quản trị nhân sự, kĩ năng xử lý khủng hoảng, kĩ năng đưa ra quyết định và đạo đức trong kinh doanh. Ngoài ra, còn có các nhóm kĩ năng quan trọng khác, nếu được trang bị tốt, sẽ là lợi thế của người lao động mà máy móc không thể thay thế.
Theo các diễn giả, dù sự phát triển của máy móc, AI hay machine learning là không thể phủ nhận, tuy nhiên, chúng không thể thay thế hoàn toàn con người. Để trang bị cho mình một hành trang tốt trong tương lai, ngoài các kĩ năng mềm, sinh viên nên tự học hỏi những kiến thức, xu thế mới, cập nhật thông tin liên tục.
Phiên thảo luận và trao đổi sau đó giữa diễn giả và sinh viên về thị trường việc làm thời cách mạng 4.0 cho thấy góc nhìn đa chiều về việc tuyển dụng. Đây là cơ hội giúp sinh viên có cái nhìn rõ hơn đối với thị trường lao động và công tác tuyển dụng, nhằm chuẩn bị hành trang cho bản thân trước khi bước vào môi trường làm việc quốc tế và chuyên nghiệp.