Thoát thân sau 8 năm bị giam cầm, lạm dụng

GD&TĐ - Bị bắt cóc trên đường phố khi mới 10 tuổi và bị giam cầm, lạm dụng trong một căn hầm suốt 8 năm trời, nhưng một cô bé người Áo chưa bao giờ từ bỏ ý định tìm lại tự do.

Natascha Kampusch lúc bị bắt cóc (phải) và trở về đời thường.
Natascha Kampusch lúc bị bắt cóc (phải) và trở về đời thường.

Câu chuyện thương tâm của cô đã làm xúc động biết bao người. 

Bị bắt cóc giữa đường

Sinh ngày 17/2/1988, tại Vienna, Áo, Natascha Maria Kampusch lớn lên trong khu chung cư ở ngoại ô thành phố, nơi có nhiều người nghiện rượu, người sẵn sàng gây gổ, cũng giống như cha mẹ đã ly hôn của cô. Trong môi trường như vậy, Kampusch luôn mong mỏi được thoát khỏi và có cuộc sống của riêng mình.

Ngày 2/3/1998, lúc mới 10 tuổi, ngày đầu tiên tự mình đi bộ đến trường được cho là bước đầu trong mục tiêu tự lực cánh sinh của cô. Tuy nhiên, cô không ngờ là nó lại mở đầu một cơn ác mộng khủng khiếp kéo dài gần 3.000 ngày đối với mình.

Sau 5 phút đi bộ từ nhà đến trường, Kampusch bị một kỹ thuật viên truyền thông tên là Wolfgang Priklopil chặn lại giữa đường. Hắn đưa cô lên xe, mang đến thị trấn yên tĩnh Strasshof, cách thành phố Vienna 24 km về hướng Bắc.

Priklopil không thực hiện hành vi bắt cóc một cách tự phát, mà đã có kế hoạch từ trước. Hắn đã thiết kế một căn phòng nhỏ, cách âm, không cửa sổ bên dưới ga ra của mình, làm nơi giam cầm tù nhân của hắn.

Trong khi đó, một cuộc tìm kiếm Natascha Kampusch diễn ra với quy mô lớn, mọi chi tiết liên quan đều được cảnh sát lưu tâm đến. Ban đầu, Priklopil thậm chí còn bị xem là nghi phạm, bởi vì có nhân chứng nhìn thấy Kampusch được đưa vào trong một chiếc xe tải màu trắng, giống như xe của hắn ta. Tuy nhiên, cảnh sát sau đó đã gạt hắn ra khỏi danh sách tình nghi, cho rằng người đàn ông hiền lành 35 tuổi này không thể là kẻ bắt cóc. Và đó là một sai lầm tai hại.

Tám năm ác mộng

Wolfgang Priklopil và ngôi nhà nơi hắn giam giữ Natascha suốt 8 năm.
Wolfgang Priklopil và ngôi nhà nơi hắn giam giữ Natascha suốt 8 năm.

Natascha Kampusch cho biết, để xua đi nỗi sợ hãi, cô cố gắng duy trì ảo tưởng về một sự bình thường. Trong đêm đầu tiên bị giam cầm, cô đã yêu cầu Priklopil đưa cô vào giường và hôn chúc ngủ ngon. Kẻ bắt cóc còn được yêu cầu đọc truyện cho cô nghe trước khi ngủ, mang quà tặng và đồ ăn nhẹ cho cô.

Vẫn biết những gì đang xảy ra với mình là vô cùng tồi tệ, nhưng cô luôn tìm cách hợp lý hóa mọi chuyện trong tâm trí của mình. “Khi ông ta tắm cho tôi, tôi hình dung mình đang ở một spa”, cô nhớ lại, “Tôi tưởng tượng đó là một quý ông đang làm tất cả mọi điều để tôi trở nên lịch thiệp”.

Tuy nhiên, Priklopil không như cô bé cố hình dung. Hắn tuyên bố mình là một vị thần Ai Cập, còn cô là nô lệ, phải vâng lời và hầu hạ hắn. Khi cô lớn hơn và bắt đầu chống đối, hắn đánh đập cô, có khi lên đến 200 lần một tuần, bỏ đói, bắt cô phải ở trần dọn dẹp nhà cửa và sống trong bóng tối hoàn toàn.

Đau khổ dưới sự áp bức và lạm dụng của kẻ bắt cóc, người mà Kampsuch mô tả là có “hai phần tính cách”, đen tối và tàn bạo, cô đã nhiều lần tìm cách tự sát.

Tuy nhiên, cô hầu như từ chối nói về yếu tố tình dục của trong quá trình bị giam giữ. Cô nói với tờ Guardian rằng, lạm dụng chỉ là “thứ yếu”. Cô nhớ lại, lúc đầu hắn trói cô vào giường của mình và những gì hắn ta muốn làm sau đó là ôm ấp nạn nhân.

Đáng chú ý, giấc mơ độc lập, tự lực cánh sinh mà Kampsuch hình thành trong đầu óc khi mới 10 tuổi vẫn không phai mờ trong hoàn cảnh này. Sau vài năm bị  giam cầm, cô đã mộng tưởng đến ngày được tự do. Và năm Kampusch lên 18 tuổi, cơ hội đến với cô.

Thoát thân

Năm tháng trôi qua, Priklopil ngày càng cảm thấy yên tâm hơn về tù nhân của mình, thậm chí có lần hắn còn đưa cô đi trượt tuyết. Trong khi đó, Kampsuch không ngừng tìm cách bỏ trốn. Cô đã có một vài cơ hội trong những lần hắn đưa cô đi chơi nơi công cộng, nhưng cô quá sợ hãi, không dám hành động. Cho đến gần sinh nhật thứ mười tám của mình, cô nhận ra có điều gì đó bên trong cô đã bắt đầu thay đổi.

Vào ngày 23/8/2006, Kampusch đang lau xe cho Priklopil thì hắn đi chỗ khác để nghe điện thoại. Cô thấy cơ hội đã đến. “Trước đây ông ta không rời mắt khỏi tôi. Nhưng lúc đó chiếc máy hút bụi trong tay tôi gây ồn nên ông ta phải đi ra xa một chút để nói chuyện điện thoại”.

Cô rón rén đi ra cổng và gặp may khi cửa không khóa. Cô nói, “Tôi cảm thấy khó thở, tay và chân như bị tê liệt. Trong đầu xuất hiện những hình ảnh lộn xộn”. Rồi cô bắt đầu chạy và nhờ người qua đường báo cảnh sát, nhưng không ai quan tâm đến cô.

Cho đến khi cô gõ cửa người hàng xóm cũ, tự xưng mình là Natascha Kampusch thì người này lập tức gọi điện báo cảnh sát. Kampusch được nhận dạng bởi vết sẹo trên cơ thể và kết quả kiểm nghiệm DNA.

Cô vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt, mặc dù trông cô nhợt nhạt và run sợ, chỉ nặng có 48 kg, gần như không thay đổi gì mấy so với khi mất tích 8 năm trước (45 kg). Còn chiều cao chỉ tăng 15cm, so với cách đó 8 năm.

Sau khi phát hiện tù nhân đã biến mất, Piklopil liền ra đường lao vào xe lửa tự sát. Nhưng trước đó, hắn cũng đã kịp thú nhận mọi chuyện với người bạn thân nhất của mình qua điện thoại, “Tôi là một kẻ bắt cóc và một kẻ hiếp dâm”.

Sau cuộc trốn chạy thành công, Natascha Kampusch đã chuyển hóa nỗi đau của mình thành ba cuốn sách, tạo được tiếng vang. Quyển đầu tiên mô tả vụ bắt cóc; quyển thứ hai, quá trình hồi phục; quyển thứ ba thảo luận về bắt nạt trực tuyến.

Hiện nay, Kampusch thích dành thời gian cưỡi ngựa. Cô nói: “Tôi đã học cách phớt lờ những thị phi nhắm vào mình và chỉ chấp nhận những điều tốt đẹp”.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.