Thoát nghèo nhờ nuôi gà siêu trứng ở huyện biên giới Sông Mã

GD&TĐ - Nhờ nuôi gà siêu trứng, anh Nguyễn Văn Tuyền (bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã) đã thoát nghèo và có của ăn của để.

 Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh Tuyền đã nuôi gà siêu trứng thành công và thoát nghèo.
Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh Tuyền đã nuôi gà siêu trứng thành công và thoát nghèo.

Đưa gà siêu trứng lên biên giới

Về xã biên giới Chiềng Khương trong những ngày cuối tháng 10, đến thăm quan trang trại nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền (bản Thống Nhất), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước quy mô chăn nuôi và cơ ngơi hoành tráng của gia đình. Đây là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập cao của huyện Sông Mã trong thời gian qua.

Theo chia sẻ của anh Tuyền, vào năm 2011 sau khi lập gia đình, anh phát triển kinh tế bằng nuôi lợn thương phẩm. Có thời điểm trang trại có hơn 100 con. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên đàn lợn phát triển không ổn định, bị dịch bệnh phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài ra, trang trại chăn nuôi lợn có nhiều chất thải, ảnh hưởng đến môi trường sống. Đầu năm 2022, tận dụng hệ thống chuồng nuôi lợn sẵn có, anh Tuyền đã cải tạo chuyển sang nuôi gà siêu trứng.

Ngoài nuôi gà bán trứng ra, anh Tuyền còn nuôi gà thương phẩm bán ra thị trường.

Ngoài nuôi gà bán trứng ra, anh Tuyền còn nuôi gà thương phẩm bán ra thị trường.

Anh Tuyền bộc bạch: “Sau khi được đi tham quan và tìm hiểu kinh nghiệm từ mô hình nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn tỉnh, tôi cải tạo chuồng nuôi. Chuồng nuôi gà đảm bảo yêu cầu cao ráo, khô, thoáng, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Lồng nuôi làm bằng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất để tránh mầm bệnh. Tôi thiết kế nền chuồng bằng bê tông, rồi rải trấu trộn vôi và men vi sinh”.

Tại mỗi chuồng nuôi, anh Tuyền đều lắp hệ thống quạt thông gió, phần mái lắp hệ thống phun nước làm mát, đảm bảo duy trì nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn ở khoảng 24 độ C – 32 độ C. Để đảm bảo chất lượng về nguồn con giống, anh Tuyền đã tìm hiểu kỹ thông tin và nhập giống gà siêu trứng của Công ty Dabaco ở Hà Nội. Đây là đơn vị chuyên cung cấp giống gà siêu trứng chất lượng và uy tín.

Có của ăn của để...

Chuẩn bị xong xuôi, anh Tuyền bắt đầu đưa 1.000 con gà giống siêu trứng vào nuôi. Sau 22 - 24 tuần nuôi, gà bắt đầu đẻ trứng. Tỷ lệ gà đẻ đạt khoảng 90%. Vừa nuôi vừa tích lũy, học hỏi thêm kinh nghiệm, đến nay trang trại gà của gia đình anh Tuyền đã phát triển lên gần 3.000 con.

Theo tính toán của anh Tuyền, 1 con gà nuôi mỗi ngày anh bỏ ra chi phí từ 2.100 - 2.200 đồng, gồm: Thức ăn, điện thắp sáng, công chăm sóc. Bình quân 1 ngày, mỗi con gà đẻ 1 quả trứng, giá bán 2.500 - 2.700 đồng/quả, sau khi trừ chi phí mỗi con gà cho thu lời khoảng 400 - 500 đồng/ngày.

Ngoài nuôi gà, anh Tuyền còn nuôi 500 con vịt siêu trứng và dự kiến tăng đàn lên 1.500 con vào cuối năm nay. Hiện trung bình mỗi ngày, gia đình anh Tuyền xuất bán ra thị trường từ 1.500 - 2.000 quả trứng gà, vịt. Mỗi tháng, anh thu lãi 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài bán trứng gà thương phẩm, toàn bộ chất thải của gà được anh Tuyền ủ men vi sinh làm phân bón cho các loại cây trồng. Chất thải sau khi xử lý được bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/bao. Qua đó, vừa có thêm thu nhập lại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Tổng thu nhập bình quân từ nuôi gà, vịt bán trứng và bán phân chuồng, tôi lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Từ lúc chuyển sang chăn nuôi phát triển kinh tế, tôi đã trả được hết nợ; xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn túng thiếu như trước nữa”, anh Tuyền nói.

Nhờ nuôi gà siêu trứng anh Tuyền đã thoát nghèo và có của ăn của để.

Nhờ nuôi gà siêu trứng anh Tuyền đã thoát nghèo và có của ăn của để.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: “Anh Nguyễn Văn Tuyền là nông dân trẻ, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Anh là người đầu tiên mang mô hình nuôi gà đẻ siêu trứng về phát triển kinh tế tại vùng cửa khẩu biên giới Chiềng Khương. Có thể nói, đây là mô hình phát triển chăn nuôi gia cầm hiệu quả nhất tại địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định".

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu, tập huấn, tuyên truyền, vận động bà con học hỏi kinh nghiệm và làm theo mô hình này để phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống và xoá đói giảm nghèo tại địa phương”- ông Sinh khẳng định.

Nhờ tâm huyết với công việc, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, anh Tuyền đã thành công với hướng đi mới của mình với nguồn thu nhập cao từ trang trại nuôi gà, vịt đẻ trứng. Hiện nay, tại địa phương, nhiều hội viên nông dân đã tìm đến nhà anh Tuyền để tham quan, học tập mô hình. Bản thân anh Tuyền cũng không quản ngại, mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng nhân rộng mô hình chăn nuôi này.

Theo ông Lò Văn Sinh: Vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tập trung tuyên truyền người dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao như: Nuôi gà, dê, trâu, bò, ba ba gai...

Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, kiểm tra các mô hình kinh tế đã thực hiện trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai phát triển vùng nguyên liệu dứa cho nhà máy Doveco Sơn La được 38,5/50 ha, đạt hơn 77 % kế hoạch. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang sản xuất Quế, liên kết với doanh nghiệp. Đến nay đã xuống giống được gần 400 ha quế...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Tản văn: Lựa đồ để 'cho'

GD&TĐ - Làm từ thiện từ “tâm”, “cho đi là còn mãi”. Hãy biết cách “cho” và lựa đồ để “cho”.

Tấm Huy chương Đồng quý giá của đại kiện tướng Lê Tuấn Minh tại Olympiad Cờ vua 2024. Ảnh: ITN

Lặng thầm cống hiến

GD&TĐ - Với thành tích bất bại đó, chú đã đạt được 9 điểm sau 11 vòng đấu, để đạt được Huy chương Đồng Cá nhân bàn ba bảng mở rộng Olympiad Cờ vua...