Ngày 23/3, tại TP Vinh (Nghệ An), Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”.
Dự án trị giá 4,3 triệu EURO do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, được tổ chức Oxfam phối hợp triển khai cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đây là một sáng kiến nằm trong nỗ lực của EU cùng với các tổ chức xã hội tại Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2030.
Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”. Ảnh: Phạm Tâm. |
Một số sản phẩm từ cây tre được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Phạm Tâm. |
Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2023 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã góp phần cải thiện thực trạng bằng phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi.
FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).
Theo đánh giá, vào năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.
Phần lớn người sản xuất nhỏ có thu nhập thấp và vẫn là hộ nghèo và cận nghèo. Vùng nguyên liệu tre bị nghèo kiệt do thoái hóa, khai thác quá mức và thiếu kỹ thuật chăm sóc. Các bãi nghêu tại 3 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng thu mua nguyên liệu và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các công ty lớn là cầu nối xuất khẩu lại thiếu kết nối trực tiếp với các vùng sản xuất nên nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định cả về chất lượng và sản lượng.
Rừng lùng tại huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: Phạm Tâm. |
Cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công nghiệp xuất khẩu từ cây tre. Ảnh: Phạm Tâm. |
Năm 2019, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ FSC cho cây tre, kế tiếp đến các huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) liên tiếp đạt chứng chỉ này. Đầu năm 2023, Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ 3 trên thế giới đạt Chứng nhận ASC.
Việc được cấp các chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” cho các sản phẩm từ nghêu, tre của Việt Nam tới những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu bền vững.
Dự án đã nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị xuất khẩu nghêu. Ảnh: Phạm Tâm. |
Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Ảnh: Phạm Tâm. |
Qua 5 năm triển khai, dự án đã giúp hơn 34.000 người có thu nhập ổn định từ sản xuất nghêu và tre, hơn 4.000 việc làm mới được tạo ra, tổ chức lại 125 nhóm sản xuất, 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị gia tăng.
Đến nay, giá trị xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu tăng đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42%; đóng góp xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu/tre cấp tỉnh.