Ông Quàng Văn Ích (Sn 1971), ở bản Nà Tòng xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La là gia đình thuần nông, từng nằm trong diện hộ nghèo. Song, nhờ ý chí vượt khó, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách về nuôi bò vỗ béo theo kiểu "bán chăn thả". Mỗi năm ông thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ việc chăn nuôi bò.
Ý chí vươn lên làm giàu
Trước đây, gia đình ông Ích là một trong những hộ thuộc diện nghèo của xã Mường Chùm. Dù siêng năng, cần cù nhưng vẫn không thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và nợ nần chồng chất. Cuộc sống thu nhập của gia đình ông chỉ trông chờ vào 1ha ngô, sắn nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm ông chỉ thu được vài tấn ngô. Trừ chi phí đi thì hầu như không có lãi, thậm chí còn nợ tiền giống, phân bón. Cũng vì thế mà cuộc sống của gia đình lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Ông Ích cho thổ lộ: “Nếu tôi lười lao động thì nghèo đói không dám kêu than. Tuy nhiên làm nhiều mà chẳng "ngóc đầu" lên được. Tôi luôn tự nhủ rằng, phải tìm cách nào đó để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhận thấy tại địa phương có nhiều cỏ mọc, rơm rạ của người dân thu hoạch sau mỗi vụ lúa thừa, rất lãng phí. Tôi nghĩ đến việc chăn nuôi bò có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ông Ích đang cho đàn bò ăn tại chuồng. |
“Tôi đi vay tiền anh em họ hàng và vay ngân hàng chính sách làm vốn, rồi sang mấy bản người Thái lân cận mua 6 con bò giống trưởng thành về nuôi. Hơn 1 năm sau, 6 con bò cái đã cho sinh sản 5 con bê khỏe mạnh. Tôi thầm nghĩ đây là con đường thoát nghèo rồi”, ông Ích cười nói.
Ông Ích kể: Lúc đầu mới chuyển sang nuôi bò, chưa có kinh nghiệm nên cũng rất lo lắng, sợ đàn bò bị dịch bệnh và mất số tiền lớn đầu tư. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó, ông đã đi học hỏi cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh với người quen ở huyện Mai Sơn (Sơn La). Khoảng một thời gian ngắn sau, ông đã nắm vững kiến thức và hiểu hơn về quy trình chăm sóc đàn bò. Hàng ngày, ông cho bò ăn 3 bữa. Dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, để tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò. Nhờ vậy mà đàn bò của gia đình ông ít dịch bệnh và phát triển tốt.
Ông ích trồng cỏ voi trên nương để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò. |
Thoát nghèo...
Để có đầy đủ lượng thức ăn cho đàn bò, ông Ích đã tận dụng 7.000m2 đất nương rẫy để trồng cỏ voi và ngô, cung cấp thức ăn. Ông còn tận dụng rơm, rạ của gia đình và các hộ gia đình khác trong bản sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tích vào kho dự trữ cho đàn bò ăn dần.
Đang thoăn thoắt vận hành chiếc máy thái cỏ công suất lớn, ông Ích kể với chúng tôi: “Tính đến nay, tôi nuôi bò vỗ béo theo kiểu bán chăn thả được khoảng 23 năm, nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và phòng dịch. Mỗi con bò ăn khoảng 27kg cỏ/ngày. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, tôi trồng thêm 5ha cỏ voi và xin thêm rơm, rạ của người dân về tích trữ trong kho. Vì vậy, nguồn thức ăn cho đàn bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu”.
Công việc của ông ở trang trại mỗi ngày là cắt, thái cỏ cho bò ăn. Khu vực chuồng trại được xây dựng kiên cố với hệ thống xử lý chất thải phù hợp, vệ sinh mỗi ngày 3 lần, tạo môi trường sạch sẽ để đàn bò phát triển khỏe mạnh. Để nuôi bò vỗ béo thành công thì người nuôi phải có hiểu biết nhất định về cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh như vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ, tiêm phòng vacxin… Cần tìm mua và vỗ béo các loại bò đực có độ tuổi dưới 3 năm, vì nếu nuôi vỗ béo bò già sẽ cho hiệu quả kinh tế thấp.
Đàn bò được nuôi theo kiểu "bán chăn thả". |
“Từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 11, tôi nuôi theo kiểu nhốt chuồng, vì vào những tháng đó dân bản đang thu hoạch ngô và trồng lúa nên không chăn thả được. Từ cuối tháng 11 trở đi, tôi lùa đàn bò lên chăn thả trên những quả đồi sau bản. Bò trưởng thành được các lái buôn hoặc người dân đến tận trang trại chọn mua. Chính vì vậy, mà đầu ra cho đàn bò luôn ổn định và được giá cao”.
Hiện trang trại ông Ích nuôi 27 con bò giống địa phương. Đàn bò của gia đình ông đều rất khỏe mạnh, béo tốt. Trung bình bò trưởng thành được ông bán ra thị trường với giá hơn 12 triệu đồng/con.
“Từ lúc chuyển sang nuôi bò, tôi không sợ thua lỗ, bởi giá cả thịt thương phẩm của bò trên thị trường hiện nay rất cao và ổn định. Tôi tận dụng và gom phân bò bán cho các nhà vườn trồng cây ăn quả ở huyện Mai Sơn (Sơn La) và TP. Sơn La. Mỗi năm, tôi thu nhập từ việc bán phân cũng được gần 20 triệu đồng. Tính tổng thu nhập, mỗi năm tôi có lãi khoảng 250 triệu đồng từ việc nuôi bò”, ông Ích nói.