Thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng của ngân hàng

GD&TĐ - Ngân hàng Chính sách xã hội chú trọng các giải pháp tín dụng khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều đối tượng đã được trợ giúp bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Ảnh minh hoạ.
Nhiều đối tượng đã được trợ giúp bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Ảnh minh hoạ.

Đa dạng các hoạt động tín dụng

Phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương. Đó là kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Chú trọng chính sách tín dụng tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn.

Đặc biệt mỗi năm tỷ lệ thanh niên bước vào tuổi lao động, thanh niên thất nghiệp cao nên công tác đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện tín dụng ưu đãi đến các đối tượng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Tính đến 28/2/2022, NHCSXH quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách và các dự án, với tổng dư nợ đạt gần 253 nghìn tỷ đồng, với 6,3 triệu khách hàng đang dư nợ.

Trong thiết kế chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các Bộ, ngành, thì mỗi một chương trình tín dụng tại NHCSXH đều được nghiên cứu, xây dựng với mục tiêu chính sách khác nhau, đối tượng thụ hưởng khác nhau, phạm vi áp dụng khác nhau... cho từng giai đoạn cụ thể để từ đó có kế hoạch cân đối nguồn lực thực hiện. Do vậy, hoạt động tín dụng chính sách tại NHCSXH là rất đa dạng, đa lĩnh vực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của nhiều đối tượng chính sách khác nhau trong đó có tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm,...

Nhiều đối tượng được vay vốn thoát nghèo

NHCSXH cho biết đã phục vụ nhu cầu vay vốn của các khách hàng là thanh niên khởi nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, …

Các mô hình khởi nghiệp này thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi tại NHCSXH thông qua các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

NHCSXH cũng phục vụ nhu cầu vay vốn của khách hàng của nhiều đối tượng. Đó là thanh niên thuộc các đối tượng là sinh viên, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường, bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề, người lao động bị thu hồi đất; học sinh, sinh viên Y khoa có hoàn cảnh khó khăn đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Y,...vay vốn thông qua chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, thanh niên cũng được vay vốn thông qua NHCSXH để phát triển sản xuất như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua chương trình cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi,..

Đặc biệt trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, NHCSXH đã kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, hỗ trợ các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ gặp khó khăn do đại dịch. Đồng thời, áp dụng chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, ban hành chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Hiện nay, ngân hàng đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng chính sách trong đó có thanh niên, tập trung chủ yếu vào 7 chương trình tín dụng lớn, chiếm 74,54% tổng dư nợ.

Cụ thể: Chương trình tín dụng hộ nghèo: Dư nợ đạt 28.058 tỷ đồng, chiếm 11,09% tổng dư nợ, với trên 720 ngàn hộ đang còn dư nợ;

Chương trình tín dụng hộ cận nghèo: Dư nợ đạt 32.658 tỷ đồng, chiếm 14,49% tổng dư nợ với trên 858 ngàn hộ còn dư nợ;

Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo: Dư nợ đạt 44.011 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng dư nợ với trên 1 triệu hộ còn dư nợ;

Chương trình cho vay giải quyết việc làm: Dư nợ đạt 41.438 tỷ đồng, chiếm 16,38% tổng dư nợ với gần 01 triệu khách hàng còn dư nợ,

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: Dư nợ đạt 10.259 tỷ đồng, chiếm 4,06% tổng dư nợ với trên 292 ngàn khách hàng còn dư nợ;

Chương trình cho vay xuất khẩu lao động: Dư nợ đạt 622 tỷ đồng , chiếm 0,25% tổng dư nợ với gần 13 ngàn khách hàng còn dư nợ;

Chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn: Dư nợ đạt 27.502 tỷ đồng, chiếm 10,87% tổng dư nợ với hơn 702 ngàn khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, NHCSXH đang thực hiện một số chương trình, dự án do các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác thực hiện cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp, tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.