Thoát ly văn mẫu bằng cách nào?

GD&TĐ - Để đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu rất quan trọng.

Cô Phan Thị Loan - Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Bắc Ninh) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NTCC
Cô Phan Thị Loan - Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Bắc Ninh) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NTCC

Đặc biệt khi Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên tránh dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra.

Vai trò quan trọng

Triển khai chương trình Ngữ văn 2018, chọn ngữ liệu cho đề kiểm tra phải theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học. Nếu ngữ liệu được chọn phù hợp sẽ đánh giá đúng năng lực học sinh. Ngược lại, sẽ làm kết quả đánh giá bị sai lệch.

Chia sẻ điều này, cô Phan Thị Loan - Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Bắc Ninh) cho biết, thực tế chưa văn bản nào hướng dẫn cụ thể công việc này. Phần lớn việc chọn ngữ liệu đều từ kinh nghiệm cá nhân, dẫn đến tình trạng không đồng đều, mơ hồ về ngữ liệu, nhất là những kỳ kiểm tra chung, dẫn tới tâm lý hoang mang cho cả người dạy và học.

Vì vậy, cần xây dựng ngân hàng để bảo đảm tính bảo mật, đồng bộ, chính xác trong lựa chọn ngữ liệu kiểm tra, phục vụ cho cả thầy và trò. Đó cũng là cách để tạo sự công bằng, không có hiện tượng ăn may, trúng tủ hay cá nhân trong ra đề kiểm tra, nhất là những đợt kiểm tra chung.

“Nhận thức rõ tầm quan trọng của lựa chọn ngữ liệu trong kiểm tra đánh giá, tổ Văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã từng bước yêu cầu giáo viên chủ động tìm ngữ liệu phù hợp thể loại và kiểu văn bản quy định theo chương trình. Bước đầu những ngữ liệu đó phục vụ trực tiếp cho thầy cô trong rèn luyện cách đọc, viết khi dạy học.

Đồng thời, những ngữ liệu giáo viên đã tìm sẽ được tập hợp, sàng lọc, điều chỉnh theo đúng tiêu chí và nhập thành kho ngữ liệu, nộp về nhà trường. Đó là căn cứ ban đầu cho việc ra đề Văn mỗi kỳ khảo sát chung trong trường. Mặc dù vậy, công việc này gặp không ít khó khăn khi trình độ giáo viên chưa đồng bộ; thiếu định hướng chung nên thầy cô chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm cá nhân”, cô Loan chia sẻ.

Cũng nhấn mạnh vai trò của ngân hàng ngữ liệu, cô Vũ Thị Tuyết Mai - Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đánh giá, ngữ liệu trong dạy học đọc hiểu văn bản không chỉ là phương tiện, công cụ, mà còn là nội dung dạy học.

Vì thế, chất lượng, sự phong phú, giàu có của ngữ liệu có vai trò quan trọng trong dạy học đọc hiểu văn bản nói riêng, dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông nói chung. Giáo viên cần sưu tầm, xây dựng hệ thống ngữ liệu riêng để chủ động dạy học và kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học theo Chương trình Ngữ văn 2018.

“Bản thân luôn chủ động xây dựng ngân hàng ngữ liệu ngoài văn bản sách giáo khoa giúp học sinh ôn tập, rèn kỹ năng đọc hiểu. Tuy nhiên, quá trình này tôi gặp một số khó khăn như thiếu tư liệu, tìm ngữ liệu phải phù hợp với lứa tuổi học sinh và có tính giáo dục, hoặc xây dựng câu hỏi thế nào để không vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng chương trình GDPT hiện hành”, cô Mai cho biết.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chuẩn hóa nguồn ngữ liệu

Thông tin từ ông Nguyễn Phương Bắc - Phòng GD&ĐT Lương Tài (Bắc Ninh), nhà trường và giáo viên Ngữ văn trên địa bàn đã xây dựng kho ngữ liệu dùng chung bằng cách tạo trang paled, nhóm Zalo hoặc hòm thư điện tử để tập hợp ngữ liệu theo chủ đề trục thể loại để cùng sử dụng. Các ngữ liệu đưa vào kho tư liệu sẽ được thẩm định, sắp xếp để đảm bảo tính khoa học, tiện ích, phát huy tối đa giá trị sử dụng. Bước đầu hoạt động này đã mang lại hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng ngân hàng ngữ liệu, ông Nguyễn Phương Bắc cho biết: Tổ nhóm chuyên môn, các cụm trường, phòng GD&ĐT trong năm học cần phát động các đợt thu gom ngữ liệu theo chủ đề hoặc trục thể loại; giao cho cá nhân, tổ nhóm sưu tầm để tránh trùng lặp. Sau đó, tạo thành thư viện ngữ liệu mở dùng chung; xây dựng quy chế sử dụng thư viện ngữ liệu và đưa ra các quy tắc để tất cả giáo viên cùng thụ hưởng và có ý thức đóng góp sản phẩm tốt cho tập thể.

Học sinh trong trường cũng được tổ chức sưu tầm ngữ liệu văn học theo đề tài, thể loại. Giáo viên giảng dạy Ngữ văn sẽ là đầu mối tập hợp sản phẩm và đánh giá kết quả hoạt động của học sinh hoặc nhóm học sinh. Việc đóng góp sản phẩm có thể trực tiếp bằng bản in hoặc gõ thành văn bản gửi file mềm qua đường link hoặc nhóm Zalo,… Ngoài ra, giáo viên, tổ nhóm chuyên môn các trường cần tăng cường giao lưu trao đổi nguồn ngữ liệu với đồng nghiệp để làm phong phú hơn nguồn ngữ liệu cho ngân hàng.

Theo cô Vũ Thị Dung - Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), xây dựng ngân hàng ngữ liệu môn Ngữ văn giúp “chuẩn hoá”, lựa chọn được ngữ liệu tốt, phục vụ khâu kiểm tra đánh giá, dạy học. Khi chọn ngữ liệu, cô Dung cho biết thường chú ý đến yêu cầu cần đạt của chương trình, kiểu văn bản/thể loại, giá trị chân - thiện - mĩ của ngữ liệu, dung lượng, nguồn dẫn…

“Tôi thường đọc các bài văn học sử, nghiên cứu, phê bình của tác giả uy tín đánh giá về thành tựu của giai đoạn văn học (thành tựu thể loại, tác giả, tác phẩm tiêu biểu); tìm đọc tác giả, tác phẩm tiêu biểu và lựa chọn về kho ngữ liệu của mình. Tạo một thư mục để tập hợp ngữ liệu theo kiểu loại văn bản và thể loại văn học để dùng dần”.

Với cô Phan Thị Loan, kinh nghiệm lựa chọn ngữ liệu là theo thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình, không theo nội dung. Dựa vào các kiểu văn bản trong sách giáo khoa (kiểu văn bản văn học, thông tin, nghị luận) để lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp. Ngoài việc quan tâm bao quát các kiểu văn bản, cô Loan cũng chú ý tới dung lượng (tổng độ dài không quá 1.300 chữ).

Các ngữ liệu được lựa chọn phải có giá trị về cả nghệ thuật cũng như nội dung, phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc, có tính sáng tạo, hấp dẫn. Với kiểu văn bản văn học, mạnh dạn lựa chọn những tác phẩm của tác giả mới, có cách viết hiện đại, ngắn gọn và hàm súc. Cô Phan Thị Loan lưu ý thêm: Cần lựa chọn ngữ liệu theo kiểu loại văn bản được quy định trong chương trình; xây dựng ngân hàng ngữ liệu theo nhiều cấp độ và bảo đảm nguyên tắc bảo mật.

Ngữ liệu phải được lựa chọn có định hướng rõ ràng, tiêu chí cụ thể và được phân chia cho từng cá nhân, nhóm xây dựng để tránh trùng lặp. Trước khi đưa vào ngân hàng, ngữ liệu phải được giáo viên có chuyên môn thẩm định chất lượng. - Ông Nguyễn Phương Bắc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.