Thoát "điểm liệt" là vào lớp 10: Chất lượng đầu ra mới quan trọng

GD&TĐ - Điểm tuyển sinh đầu cấp của nhiều trường THPT khu vực miền núi cao, biên giới chỉ chưa đến 10 điểm/3 môn, trong khi Toán, Ngữ văn đã nhân hệ số 2. Nhưng mức điểm chuẩn này vẫn có thể tiếp tục hạ mới đủ chỉ tiêu.

Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Nghệ An
Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Nghệ An

Tuy nhiên, theo nhiều hiệu trưởng, xuất phát điểm (lớp 10) thấp không có nghĩa là đầu ra (lớp 12) cũng thấp. Mà với sự nỗ lực của thầy và trò, cùng kế hoạch, chương trình dạy học phù hợp sẽ có được hiệu quả, chất lượng giáo dục đáng ghi nhận.

“Có học sinh là mừng”

Trường THPT Quan Sơn (huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) có điểm chuẩn đầu cấp chỉ 10,2 điểm nhưng đã được coi là khả quan. Bởi năm học 2020 -2021, điểm đầu vào lớp 10 của trường là  6,9 điểm (đợt đầu) và 4,6 điểm (đợt 2).

Còn Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa), có điểm chuẩn vào lớp 10 chỉ ở mức 9,6 điểm. Tuy nhiên, mức điểm đầu vào này có thể còn hạ thấp xuống để tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo ông Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát: Tỉnh giao cho trường năm nay tuyển 366 học sinh lớp 10. Những năm trước, không phải tất cả học sinh trúng tuyển đều nhập học, vì đi học nghề hoặc đi lao động.

Năm nay, chúng tôi sẽ chờ đến ngày 20/7. Trong số 336 học sinh trúng tuyển nêu trên, em nào không đến nhập học, chúng tôi sẽ gọi những em có điểm thấp kế cận cho đủ chỉ tiêu tỉnh giao.

Nhiều trường THPT vùng núi cao, huyện biên giới của Nghệ An có điểm chuẩn vào lớp 10 chưa đến 3 điểm/môn.
Nhiều trường THPT vùng núi cao, huyện biên giới của Nghệ An có điểm chuẩn vào lớp 10 chưa đến 3 điểm/môn. 

Tại huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, nhắc đến điểm tuyển sinh lớp 10, thầy Trần Đình Mạnh, hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 nói: “Thực tế ở đây, học sinh đăng ký dự thi chỉ cần không bị điểm liệt môn nào, là đã có thể trúng tuyển vào trường. Nhiều năm qua, điểm đầu vào của trường dao động từ khoảng 8-10 điểm/3 môn thi. Năm nay, dù chưa công bố vì đang đợi kết quả chấm thi phúc khảo của tỉnh, nhưng dự kiến mức điểm chuẩn cũng tương tự”.

Một lý do khác khiến nhiều trường THPT ở khu vực miền núi của Nghệ An “mất” học sinh giỏi vì những em này đã thi trúng tuyển vào các trường THPT DTNT tỉnh hoặc PT vùng cao Việt Bắc.

Dù đầu vào của học sinh thấp như vậy, nhưng thầy Trần Đình Mạnh chia sẻ, nhà trường chỉ “mong các em chịu đi học là mừng rồi”.

Vùng tuyển sinh của trường gồm học sinh nhiều dân tộc như: Thái, Mông, Khơ mú, Ơ Đu, Tày Poọng... Hoàn cảnh gia đình vất vả nên nhiều em sau khi tốt nghiệp THCS thường nghe theo người thân đi lao động, kiếm tiền.

“Chúng tôi không nhìn vào xuất phát điểm để đánh giá học sinh, mà để làm cơ sở đưa ra kế hoạch dạy học, rèn luyện, thậm chí phụ đạo lại cả kiến thức THCS. Thực tế khi được rèn luyện, có ý thức tự giác, được hình thành phương pháp học tập, các em sẽ tiến bộ”, thầy Mạnh nói.

Trường THPT số 2 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa), Trường THPT Thu Xà (huyện Tư Nghĩa) và Trường THPT Sơn Mỹ có điểm đầu vào lớp 10 thuộc vào loại thấp của tỉnh Quảng Ngãi với điểm chuẩn dao động từ 13 đến 15 điểm (chưa kể nguyện vọng 2).

Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Những trường này đều phải tổ chức thi tuyển vì số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở những địa bàn này có những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Như Trường THP số 2 Tư Nghĩa có 3 xã thuộc vùng miền núi. Trường THPT Thu Xà và Trường THPT Sơn Mỹ đều có một số lượng lớn HS là vùng biển bãi ngang”.

Điểm đầu vào không phải là tất cả

Sau khi có kết quả thi tuyển sinh lớp 10, Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã công bố điểm chuẩn dự kiến là 15,4 (đã cộng điểm ưu tiên). Điểm chuẩn này được nhiều thí sinh đánh giá là cao hơn hẳn so với những năm trước (10 – 12 điểm). Dù với 3 môn thi, điểm Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, thì thí sinh chỉ cần đạt chưa đến 3,5 điểm/môn là đã có thể trúng tuyển.

Học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) tự sinh hoạt CLB.
Học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) tự sinh hoạt CLB. 

Hơn 90% học sinh của Trường THPT Quỳ Hợp 3 là người dân tộc Thái, Thổ. Nhiều năm liên tục, chất lượng đầu vào của trường thấp hơn so với 2 trường THPT còn lại trong huyện.

Theo lãnh đạo nhà trường, có nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng DTTS, dẫn đến chất lượng giáo dục ở bậc THCS của học sinh chưa cao... Thậm chí khi vào trường, nhiều em viết và chuẩn ngữ pháp tiếng Việt còn chưa thành thạo.

Trước thực tế đó, khi bước vào năm học mới, nhà trường tiếp tục tổ chức khảo sát chất lượng học sinh. Sau đó, cho các em đăng ký, phân lớp theo khối tự nhiên, xã hội để phân công giáo viên, kế hoạch, mục tiêu dạy học phù hợp.

Trong các năm học tiếp theo, các em có thể đổi lớp nếu có nhu cầu. “Điều đầu tiên mà học sinh lớp 10 được học chưa phải là kiến thức, mà là phương pháp học tập, vì phần lớn các em chưa hình dung được rõ ràng. Có kỹ năng, phương pháp học tập, thì mới tiếp thu được kiến thức bài giảng.

Nhà trường cũng thành lập các CLB Toán, Tiếng Anh, Văn học... với sự tham gia của học sinh cả 3 khối cùng với hỗ trợ của giáo viên bộ môn. Qua đó, giúp các em có không gian, môi trường học tập”, thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Đặc biệt, do kỹ năng sống của học sinh DTTS còn nhiều hạn chế, một số phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại như tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Vì vậy, nhà trường còn tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, dạy nghề để vừa tăng khả năng giao tiếp, vừa góp phần định hướng mục tiêu học tập cho học sinh, hạn chế tối thiểu tình trạng học sinh bỏ học.

Với những nỗ lực đó, mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng đến cuối cấp, học sinh lướp 12 của trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao. Gần nhất, năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Quỳ Hợp 3 là 98,45%.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cô trò Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thấy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cũng thừa nhận, trường miền núi khó khăn, điểm chuẩn vào lớp 10 rất thấp, vì thế trong 3 năm đào tạo ở cấp THPT, nhà trường rất vất vả. Tuy nhiên, không phải điểm đầu vào lớp 10 thấp, mà điểm đầu ra (lớp 12) cũng thấp.

Hàng năm, sau khi tuyển sinh lớp 10, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát đầu năm để phân loại theo nhóm. Đối với những em thuộc nhóm có điểm trung bình khá trở lên sẽ được xếp thành một nhóm. Còn các em có điểm thấp hơn thì tập trung thành 1 nhóm, để giáo viên tập trung dạy kèm cho học sinh nâng dần chất lượng lên.

Đến khi học sinh lên lớp 11, nhà trường lại khảo sát và tiếp tục phân loại. Tuy nhiên, các thầy cô phải động viên từng học sinh để các em đồng ý chuyển lớp, vì nhiều em không muốn chuyển sang lớp mới. “Mặc dù hàng năm, số học sinh đăng ký thi đại học của trường chưa cao, nhưng tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đã được nâng lên khoảng 80-90% ”, ông Đạo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ