Thoả thuận hoà bình Ukraine: 3 điều kiện không thể lay chuyển

GD&TĐ - Rút quân và công nhận 4 vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập, đưa quy chế trung lập vào Hiến pháp là 3 trong 4 điều kiện tiên quyết Nga đưa ra cho Ukraine.

Thoả thuận hoà bình Ukraine: 3 điều kiện không thể lay chuyển

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Lucerne - Thụy Sĩ hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra công thức riêng để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nó đã bị Kiev và tập thể phương Tây đằng sau bác bỏ vì cho rằng những điều kiện của Moscow là “không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giới chức Kiev đã nhiều lần nói về việc sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Có lẽ là những thất bại liên tiếp đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin chiến thắng của Kiev và phương Tây, khiến họ hiểu rằng, nếu không nhanh chóng đạt được một thoả thuận ngừng bắn với Nga thì Ukraine sẽ mất thêm nhiều vùng lãnh thổ mới.

Theo giới phân tích, không loại trừ việc một “Thoả thuận Istanbul 2” được ký kết, nhưng nó sẽ phải tuân theo những điều kiện tiên quyết mà Nga đã đưa ra tại cuộc gặp hồi tháng 3/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố, thỏa thuận hòa bình mới có thể dựa trên các điều khoản đã được thống nhất ở Istanbul vào mùa xuân năm 2022, nhưng có tính đến thực tế địa chính trị mới của những khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022.

Tổng thống Putin nêu rõ, bản chất của thoả thuận mới không phải là một hình thức đình chiến hoặc ngừng bắn tạm thời, để phương Tây giúp chính quyền Kiev khắc phục tổn thất, tái vũ trang cho Lực lượng Vũ trang Ukraine và tích cực chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

Như vậy, mục đích cuối cùng của thoả thuận mới không phải là đóng băng cuộc xung đột mà là về việc kết thúc nó bằng một thoả thuận hoà bình vĩnh viễn (điều này phụ thuộc vào chính Kiev và phương Tây).

Do đó, điều kiện đầu tiên mà Moscow đưa ra để Nga chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán là Kiev phải thực hiện là “đồng ý và thực hiện nghiêm túc việc rút quân hoàn toàn khỏi 4 khu vực Nga tuyên bố là lãnh thổ của mình gồm: Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson, thì Moscow mới sẵn sàng đàm phán".

Điện Kremlin cũng đặt ra điều kiện thứ 2 là Kiev phải công nhận “những vùng lãnh thổ mới” này là của Nga và phương Tây phải dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt.

Điều kiện thứ 3 là Moscow nhất quyết buộc chính quyền Kiev phải “đưa quy chế trung lập không liên kết vào Hiến pháp Ukraine”, nhưng không phản đối việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Về điều kiện thứ 4, Moscow nhất quyết buộc Ukraine phải khôi phục vị thế của ngôn ngữ Nga và coi nó là ngôn ngữ nhà nước thứ hai, đồng thời cấm tôn vinh Chủ nghĩa phát-xít Ukraine (chỉ việc tôn vinh tư tưởng và hành động của Stepan Bandera, người bị Nga coi là “tay sai của phát xít Đức”, thủ lĩnh của lực lượng phát-xít ở Ukraine trong Thế chiến Thứ 2).

Như chúng ta đã biết, những điều kiện tiên quyết này về ban đầu đã được phái đoàn Ukraine chấp thuận tại hội nghị “Istanbul-1”, nhưng sau đó Kiev đã “lật kèo” do nỗ lực cản trở của Thủ tướng Anh Boris Johnson và cũng sẽ rất khó để hai bên đạt được một “Istanbul mới” trong giai đoạn hiện nay.

Theo giới phân tích, Kiev sẽ chỉ chấp thuận đầy đủ những điều kiện này khi và chỉ khi Lực lượng Vũ trang Ukraine phải hứng chịu một “thất bại không thể gượng dậy” hoặc bị phương Tây ra tối hậu thư.

Tóm lại, thoả thuận hoà bình Ukraine sẽ chỉ đạt được khi Nga công bố ngừng Chiến dịch Quân sự Đặc biệt và lúc đó, nội dung chính của bản thoả thuận đó sẽ do Moscow quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ