Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nước cờ bí cho các bên

GD&TĐ - Lần đầu tiên, Iran đưa ra kết nối việc Anh giữ tàu chở dầu của nước này với Thỏa thuận hạt nhân Iran và gọi hành động này là bất hợp pháp và vi phạm thỏa thuận.

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã bị bắt giữ trong tháng này tại eo biển Gibraltar vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Syria
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã bị bắt giữ trong tháng này tại eo biển Gibraltar vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Syria

Ăn miếng trả miếng

Bằng liên kết việc Anh bắt giữ tàu Iran với thỏa thuận, dường như Iran đang cố ép người châu Âu thực hiện các lợi ích tài chính mà các bên đã thông qua trong Thỏa thuận năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay JCPOA.

Sau cuộc đàm phán khẩn cấp ở Vienna với các bên khác với thỏa thuận hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nhận định rằng: Theo JCPOA, Iran được quyền xuất khẩu dầu, nên bất kỳ sự cản trở nào đối với xuất khẩu dầu của Iran cũng có nghĩa là chống lại Thỏa thuận JCPOA. Mặc dù, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm ngoái, nhưng Iran và châu Âu đang đàm phán để cố gắng cứu vãn thỏa thuận này.

Đầu tháng 7, các lực lượng Anh đã ngăn chặn tàu chở dầu Iran ở gần Gibraltar và cáo buộc nước này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Syria, một hành động mà Anh cho biết không liên quan gì đến Thỏa thuận hạt nhân.

Ngày 19/7, các chỉ huy Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu có cờ Anh ở eo biển Hormuz, tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới đối với hoạt động vận tải dầu, cho rằng họ đã vi phạm, tuy nhiên Iran cũng chính thức phủ nhận rằng đây là một phản ứng ăn miếng trả miếng.

Nước cờ ép của Iran?

Kể từ đó, Iran đã “nổi nóng” và trở nên lạnh lùng trước đề xuất rằng cả hai bên sẽ thả tàu chở dầu của bên kia, kèm với việc Tehran hứa sẽ không gửi dầu tới Syria. Tuy nhiên, London cũng khẳng định rằng chỉ có tòa án mới quyết định được phải làm gì với tàu chở dầu Iran.

Iran cũng cảnh báo chống lại ý tưởng của Anh về việc gửi một lực lượng hải quân do châu Âu lãnh đạo tới hộ tống tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư, cũng là nơi Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự. Phát ngôn viên của chính phủ Iran tại Tehran Ali Rabiei cho biết đề xuất này “mang thông điệp thù địch, có tính khiêu khích và sẽ làm gia tăng căng thẳng”.

Đồng thời, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng chúc mừng tân Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson và bày tỏ hy vọng rằng sự quen thuộc của tân Thủ tướng Anh với các vấn đề về mối quan hệ của Iran và Anh, cũng như sự hiện diện của ông Johnson ở Tehran sẽ là “một sự giúp đỡ đáng kể trong việc thoát khỏi những trở ngại hiện tại trong sự phát triển và mở rộng mối quan hệ giữa hai nước”. Thỏa thuận giải phóng hai con tàu và trả lại tự do cho bà Zaghari - Ratcliffe (người mang hai quốc tịch Anh – Iran, bị cầm tù tại Iran từ năm 2016) sẽ là một quyết định táo bạo quan trọng của ông Johnson, nhưng đổi lại, rất có thể Tổng thống Trump sẽ gây thêm áp lực đối với Anh để nước này theo chân Mỹ, từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân và gia tăng áp lực đối với Iran.

Iran đã đồng ý chấp nhận các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của mình trong Hiệp định 2015 để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà chủ yếu là phương Tây chống lại mình. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm ngoái, chính quyền Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn trong năm nay nhằm mục đích ngừng việc xuất khẩu dầu từ Iran, nguồn thu nhập chính của nước này.

Những đe dọa vi phạm

Các biện pháp mới bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các nước thứ ba làm ăn với Iran. Các nước châu Âu đã cố gắng xây dựng một nền tảng giao dịch thay thế bằng cách sử dụng hàng đổi hàng để cho phép Iran bỏ qua hệ thống tài chính toàn cầu liên kết với Mỹ để tránh các lệnh trừng phạt mới.

Cho đến nay, những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại gì, mặc dù các quan chức châu Âu đã nói trong nhiều tháng rằng hệ thống này gần như đã sẵn sàng. Ngay cả sau đó, chỉ những hàng hóa sẽ không bị xử phạt, như thực phẩm, thuốc và các sản phẩm y tế, sẽ được giao dịch.

Để gây áp lực cho các bên ký kết khác, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, Iran đã lập luận rằng theo các điều khoản của thỏa thuận, Iran có quyền vi phạm các hạn chế của hiệp ước vì họ không nhận được các lợi ích mà các bên còn lại đã hứa hẹn. Cho đến nay, Iran đã vi phạm các giới hạn đối với các kho dự trữ uranium và mức độ làm giàu, nhưng không quá mạnh mẽ để khiến các bên ký kết khác phải có động thái gì mạnh mẽ hơn là khuyên răn Iran tuân thủ thỏa thuận.

Vào Chủ nhật vừa qua, Iran đã đe dọa một vi phạm khác bằng việc khởi động trở lại lò phản ứng nước nặng Arak. Theo giới truyền thông Iran, Ali Akbar Salehi thuộc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran đã trình bày với các nhà lập pháp về kế hoạch này, tuy nhiên vẫn phủ nhận rằng Tehran có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.