Thổ Nhĩ Kỳ vật lộn cứu người sau động đất, số người chết có thể vượt 20.000

GD&TĐ - Lực lượng cứu hộ đang vật lộn để cứu người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát khi số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt 5.100.

Nỗ lực cứu người mắc kẹt trong đống đổ nát ngày càng khó khăn do thời tiết lạnh.
Nỗ lực cứu người mắc kẹt trong đống đổ nát ngày càng khó khăn do thời tiết lạnh.

Với cường độ 7,8 độ richter, trận động đất hôm 6/2 là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ từ 1999.

Nó đã đánh sập nghìn tòa nhà bao gồm nhiều khu chung cư, phá hủy bệnh viện và khiến hàng nghìn người bị thương hoặc mất nhà cửa ở các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tại thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, nơi các tòa nhà 10 tầng đổ sập trong khi nhiệt độ gần như đóng băng kèm theo mưa. Chưa hết, tình trạng mất điện cũng diễn ra nhiều nơi sau động đất.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng trong một khu vực trải dài khoảng 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông và 300 km từ Malatya ở phía bắc đến Hatay ở phía nam. Tại Syria, nhà chức trách báo cáo về những cái chết ở tận phía nam Hama, cách tâm chấn khoảng 100 km.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số người chết đã lên tới 3.549 người - Phó Tổng thống Fuat Oktay nói và cho biết thêm rằng thời tiết khắc nghiệt đang gây khó khăn cho việc đưa hàng viện trợ đến các khu vực.

Tại Syria, nơi trận động đất đã gây thêm thiệt hại cho cơ sở hạ tầng vốn đã bị tàn phá sau 11 năm chiến tranh, số người chết ở mức hơn 1.600 - theo chính phủ và cơ quan cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.

Tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá nặng nề, cư dân kêu cứu trong vô vọng khi tiếng la hét của những người tê cóng dưới đống đổ nát vang khắp nơi. Với mong muốn tiếp cận họ kịp thời, lực lượng cứu hộ đã đào bới bằng tay không.

Khóc dưới mưa, một cư dân tên Deniz nắm chặt tay trong tuyệt vọng. "Họ đang tạo ra tiếng động để báo hiệu nhưng không có ai đến” – ông nói – “Họ đang nói 'hãy cứu chúng tôi' nhưng chúng tôi không thể cứu họ. Chúng tôi sẽ cứu họ bằng cách nào? Từ sáng đã không có ai ở đây".

Nhiều gia đình phải ngủ trong ô tô xếp hàng dài trên đường phố.

Một phụ nữ tên là Ayla đứng bên đống đổ nát nơi từng là tòa nhà 8 tầng. Cô cho biết đã lái xe từ Gaziantep đến Hatay vào 6/2 để tìm mẹ.

"Không có ai sống sót. Một con chó ngoài đường đã đến và sủa rất lâu ở một điểm nào đó, tôi sợ ở đó có tiếng của mẹ tôi, nhưng hóa ra đó là một người khác" cô nói và cho biết đã bật đèn xe để cầu cứu đội cứu hộ. Đến giờ họ mới lấy được 2 thi thể, không còn ai sống sót.

Ankara đã tuyên bố "báo động cấp 4" và kêu gọi sự trợ giúp quốc tế, nhưng đây không phải là tình trạng khẩn cấp dẫn đến việc huy động quân đội.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết 5.775 tòa nhà đã bị phá hủy trong trận động đất, kéo theo 285 dư chấn và 20.426 người bị thương.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Bây giờ là cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy người sống sót lại giảm dần".

Hôm 6/2, WHO cảnh báo số người chết có thể lên tới 20.000 và 23 triệu người - bao gồm 1,4 triệu trẻ em - có thể bị ảnh hưởng. WHO lưu ý rằng nhu cầu nhân đạo của Syria là cao nhất.

Một số hình ảnh sau động đất:

Theo Reuters/Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.