Thổ Nhĩ Kỳ - EU: Hứa hôn chắc gì đã kết hôn

Thổ Nhĩ Kỳ - EU: Hứa hôn chắc gì đã kết hôn

(GD&TĐ) - Đã từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên ngưỡng cửa của Liên minh châu Âu (EU). Về “tương lai châu Âu” của đất nước được coi là cầu nối giữa hai châu lục Á - Âu đã được Adenauer và de Gaulle nói đến từ nửa thế kỷ trước. Vậy mà mãi đến năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ mới nhận được quy chế quốc gia ứng cử viên gia nhập EU. Từ đó đến nay, Ankara vẫn đi dạo ngoài hành lang EU và ngắm nhìn các quốc gia khác lần lượt bước qua ngưỡng cửa của tổ chức này.

Thổ Nhĩ Kỳ có là “con ngựa thành Troy” trong lòng châu Âu?
Thổ Nhĩ Kỳ có là “con ngựa thành Troy” trong lòng châu Âu?

EU chống lại Thổ Nhĩ Kỳ

Lần này, lý do cản trở Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU chính là hành động của chính quyền Ankara đối với những người biểu tình. Trước thềm vòng tham vấn tiếp theo giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích gay gắt Ankara trong việc đàn áp những người biểu tình chống chính phủ. Ankara đón nhận những lời chỉ trích của Berlin như một yếu tố đẩy xa ngày gia nhập EU của họ. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel có vẻ như ủng hộ các cuộc đàm phán về kế hoạch gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng giờ đây họ lại là cái “barie” khó dỡ trên con đường gia nhập EU của Ankara.

Nói theo cách nói của Egemen Bagis- Bộ trưởng Quan hệ với EU của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Angela Merkel đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ nhằm “bổ sung vốn chính trị của mình và sử dụng nó để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo”. Tuy nhiên, Egemen Bagis cho rằng sự lựa chọn của Angela Merkel là sai lầm và rất có thể Thủ tướng Đức cũng sẽ đi theo “vết xe đổ” của Tổng thống Nicolas Sarkozy - người luôn hoài nghi về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ và đã bị thất bại trước Francois Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cách đây chưa lâu. Có điều, hành động đàn áp những người biểu tình trên quảng trường Taksim và nhiều nơi khác của chính quyền Recep Tayyip Erdogan là hành động của kẻ độc tài và tất nhiên không được EU chấp nhận. Không chỉ có Đức, Áo và Hà Lan cũng quyết định chặn việc nối lại tiến trình đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Sự “đỏng đảnh” của Thổ Nhĩ Kỳ

Đây là câu hỏi đang gây tranh cãi giữa các nước thành viên EU. Trước đây, tất cả đều khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một phần của EU nhưng giờ đây những tuyên bố như vậy ngày càng thưa thớt. Thời gian gần đây, không ít chính trị gia nổi tiếng chẳng ngần ngại nói về việc Thổ Nhĩ Kỳ không thể gia nhập EU.

Họ viện nhiều lý do khác nhau từ kinh tế đến địa lý để khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có thể trở thành một quốc gia châu Âu. Hàng loạt các cáo buộc Ankara vi phạm nhân quyền hay sự khác biệt về hệ thống chính trị được đưa ra. Mấy chục năm gần đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp tàn nhẫn cộng đồng người Kurd thiểu số (chiếm khoảng 20% dân số của đất nước này) bằng các lực lượng quân đội, cảnh sát. Một số chính trị gia người Kurd, trong đó có các thành viên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu cảnh tù đày. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd bị cấm giảng dạy hay phát sóng radio, tivi bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Chưa hết, theo Brussels, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của đất nước. Quân đội không ngừng can thiệp vào chính trị và bảo vệ những giá trị thế tục của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội lật đổ chính phủ của Thủ tướng Necmettin Erbakan vào năm 1997. Ấy là chưa kể vai trò đặc biệt quan trọng của quân đội đã được ghi trong hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Thổ Nhỹ Kỳ không phải Tổng thống mà quân đội là lực lượng bảo lãnh cho hiến pháp.

EU chỉ đưa ra những lời hứa hẹn chứ trên thực tế không ai nghĩ đến việc tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào đội ngũ của mình. Châu Âu tuyên bố mở cửa và đòi hỏi những nhượng bộ quan trọng, trong đó có chuyện “tối ưu hoá” pháp luật theo “chuẩn châu Âu”, tiến hành đàm phán với Ankara... Giờ đây, vai trò của các bên đã thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ giả vờ vẫn muốn vào EU nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ khó ăn khó nói với người dân của họ nếu một đất nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% phải “sa” vào EU, nơi tăng trưởng kinh tế coi như bằng 0. Ankara thừa hiểu, nếu gia nhập EU vào thời điểm hiện tại họ sẽ phải chấp nhận một loạt các nghĩa vụ tài chính, kinh tế và chính trị rất nặng nề. Nói nôm na rằng họ phải sẻ “miếng cơm manh áo” của mình cho các nước đại loại như Hy Lạp.

Trong bối cảnh đang là cường quốc với sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Đông, chia sẻ với những khó khăn của EU hiện tại là điều đáng phải suy nghĩ.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “cây cầu vắt vẻo” giữa hai châu lục Á - Âu, là khâu trung gian cung cấp khí đốt cho châu Âu mùa băng giá. Lời “hứa hôn” với EU vẫn còn đó, nhưng việc “kết hôn” không phải là chuyện của hôm nay.

Trong bối cảnh 98% dân số Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, các nhà phân tích phương Tây cho rằng, việc “Âu hóa” Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này gia nhập EU rất có thể sẽ gây phiền toái cho cộng đồng châu Âu. Theo các nhà phân tích, chỉ cần 10 năm nữa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia lớn nhất châu Âu ở góc độ dân số, khi đó, làn sóng nhập cư của người Thổ vào các nước EU là khó tránh khỏi.

“Trong tương lai gần, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gia nhập EU” - Nhà chính trị học hàng đầu ở Đức Alexander Rahr tuyên bố. Rahr nhấn mạnh rằng vào thời điểm hiện tại cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn EU đều không muốn nói đến chuyện này.


Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ