Thịt lợn nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, trong nước giá vẫn “cố thủ” mức cao

Thịt lợn nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, trong nước giá vẫn “cố thủ” mức cao

Giá thịt lợn bán lẻ vẫn “cố thủ”

Theo khảo sát, suốt cả tháng nay, dù giá lợn hơi giảm sâu về mức 80-90 nghìn đồng/kg, phổ biến ngưỡng trung bình 85 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ truyền thống vẫn giữ mức 160-200 nghìn đồng/kg.

Ghi nhận tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội) mặc dù số lượng thịt bán ra ít đi nhưng tiểu thương vẫn không đổi giá bán với lý do không có lãi.

Cụ thể, sườn sụn có giá 200 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 180-190 nghìn đồng/kg, thịt vai 170-180 nghìn đồng/kg,…duy nhất thịt mông có giá thấp nhất mức 150-160 nghìn đồng/kg do không được ưa chuộng.

Tại chợ Đồng Xa (Cầu Giấy), mức bán cũng tương đương ngưỡng 160-190 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao không thay đổi kể từ khi lợn hơi ở ngưỡng 105 nghìn đồng/kg.

Chị Hằng, một người mua chia sẻ: “Tôi mua thịt lợn thường xuyên do nhà có cháu nhỏ nhưng mức giá này không thay đổi kể từ khi giá lợn lên cao nhất”.

Tương tự, tại chợ Mỹ Đình II (Từ Liêm), chị Hậu, một khách mua cũng khẳng định, giá thịt lợn được chị rất quan tâm nên lúc đi chợ dù không mua vẫn có thói quen hỏi giá.

“Tôi chắc chắn giá không giảm nên tôi thường đến các siêu thị để mua thịt lợn đông lạnh có giá mềm hơn”, chị Hậu nói.

Một tiểu thương cho biết, giá bán ở mức 180-200 nghìn đồng/kg đối với thịt ba chỉ và sườn sụn; Mức 150-170 nghìn đồng/kg đối với dòng thịt vai, thịt mông; Thấp hơn nữa có xương cục và chân giò.

Vị này cho rằng, giá bán vẫn giữ mức cao là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính nhất là lượng người mua ít nên lượng thịt nhập vào cũng phải chọn ngon hơn. Thay vì mua cả con thì bây giờ tiểu thương chỉ “nhặt” phần ngon, dễ bán. Do đó, giá sẽ cao hơn…

Nhập khẩu ồ ạt từ Mỹ, Canada

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ dao động ở mức 140-200 nghìn đồng/kg tùy từng loại thịt và từng khu vực. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng cao.

Theo báo của của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 7 tháng đầu năm, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga,

Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con.

Hiện, tính đến hết ngày 1/8, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 16.537 con lợn giống các loại, chủ yếu từ Mỹ, Canada, Thái Lan và Đài Loan.

Đối với lợn thịt, từ 12/6 đến 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam.

Trong đó, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Đánh giá về công tác tái đàn, Cục Chăn nuôi cho rằng, chăn nuôi ghi nhận mức tăng ở hầu hết các nhóm ngành hàng so với năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi xuất chuồng lại sụt giảm gần 1/3 so với cùng kì 2019.

Bên cạnh đó, công tác tái đàn lợn đến nay vẫn đối mặt không ít khó khăn, thách thức như Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh; Chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Ngoài ra, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương.

Đáng chú ý, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất.

Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.