Thử ngẫm xem điều này có đúng với bản thân bạn không nhé: dù không hiểu tại sao, nhưng có lúc đột nhiên bạn hoàn toàn tin rằng có ai đó đang theo dõi bạn, kể cả khi bạn đang ở nhà một mình.
Nếu đúng, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc cái cảm giác này đến từ đâu? Do não bộ "đánh lừa", hay do chúng ta đã thực sự cảm nhận được điều gì đó?
Câu trả lời nằm trong một nghiên cứu trên những người khiếm thị. Họ đã cho thấy rằng con người hoàn toàn có thể cảm nhận được những gì xảy ra xung quanh, dù bản thân không thực sự "nhìn" thấy chúng.
Từ nghiên cứu trên người khiếm thị...
Tom Stafford - một chuyên gia của BBC Future cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra, những hình ảnh chúng ta đang thấy là thông tin do mắt thu được, qua xử lý tại đồi thị giác mà tạo ra hình ảnh.
Ví dụ như một nghiên cứu vào năm 2013 trên một người đàn ông bị khiếm thị (có mã thí nghiệm là TN). Người này có đôi mắt bình thường, nhưng khu vực đồi thị giác trong não bị tổn thương. Nói cách khác, dù mắt hoạt động, vẫn truyền thông tin, nhưng đồi thị giác chẳng thể xử lý. Khoa học gọi đây gọi là chứng "mù vỏ não".
Các nhà nghiên cứu cho TN "quan sát" các bức ảnh về khuôn mặt, trong đó một số nhìn chằm chằm vào người xem, một số thì quay đi hướng khác. Kết quả, TN vẫn không nhìn được gì, nhưng các chuyên gia nhận thấy vùng hạch hạnh nhân (amygdala) bị kích thích khi ông quan sát những bức hình có người nhìn chằm chằm vào mình.
Hạch hạnh nhân là vùng não giúp chúng ta cảm nhận được nỗi sợ và một số cảm xúc khác, đồng thời chịu trách nhiệm nhận diện gương mặt người. Phải chăng, đây là cách não bộ cảm nhận việc có ai đó đang theo dõi mình, kể cả khi chúng ta không thực sự nhìn thấy điều đó?
"Khả năng nhận biết ai đó đang nhìn mình là một kỹ năng xã hội quan trọng" - Trích lời Ilan Shrira từ ĐH Lake Forest (Mỹ). Nó giúp chúng ta giao tiếp, truyền đạt tốt hơn, và điều đó giải thích vì sao não bộ lại tiến hóa để sở hữu khả năng này.
Tuy nhiên, việc cảm nhận được sự theo dõi của người khác có vẻ như cần nhiều lời giải hơn. Ví dụ như nhiều người vẫn cảm nhận được có ai đó theo dõi từ sau lưng, dù mắt không gửi tới bất kỳ thông tin gì. Để rồi rờn rợn quay đầu lại, quả nhiên bạn thấy có người đứng đằng sau thật.
... đến một số lời giải khác
Thì ra, khoa học cũng đã đưa ra được câu trả lời dành cho các trường hợp này.
Đầu tiên, đáp án là sự trùng hợp. Khi bạn cảm nhận được điều gì đó không ổn, bạn quay lại. Nhưng việc quay lại cũng khiến người đằng sau chú ý, và họ nhìn vào bạn. Mắt đối mắt, cộng thêm... thần hồn nát thần tính, và thế là bạn đã bị theo dõi.
Nhiều khi chỉ là nỗi sợ vu vơ
Một lời giải khác được đưa ra, có thể đã có một số dấu hiệu cảnh báo bạn về sự hiện diện của một người khác, theo cách mà bạn cũng không hay biết.
Ví dụ như hình ảnh phản chiếu rất nhỏ, chạy thoáng qua trong tầm mắt của bạn. Hoặc đơn giản là một tiếng động vô thưởng vô phạt mà thôi.
Ngoài ra, nghiên cứu vào năm 2013 do ĐH Sydney thực hiện cho rằng, việc não bộ cảm nhận có người theo dõi là một cơ chế tự vệ. Trong đó, não bộ sẽ tự động giả định điều này mỗi khi các thông tin thị giác trở nên không đầy đủ.
Nhìn chung, lời giải chính xác cho chuyện này thì chưa rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học tự tin rằng đáp án chỉ có thể nằm trong những gì họ đã đưa ra mà thôi.