Thím Hậu

GD&TĐ - Như đã biết trước việc xảy ra, và chẳng lạ gì với việc đang xảy ra, thím Hậu xua cố vài nhát chổi cho nốt góc sân đang quét dở rồi mới bước ra cổng.

Thím Hậu

- Hậu ơi, ra mà lôi nó về!

Tiếng gọi vang lên lần nữa từ mãi ngoài cổng.

- Có ra lôi về ngay không, kẻo chết giẫm bây giờ. Rõ của nợ!

Đó là bà Loan, một người hàng xóm tốt bụng. Bà vừa đi vào cổng, vừa oang oang. Cái tính bà ăn to, nói lớn, lại hay mau miệng. Hễ trong làng, ngoài xóm có việc gì, y rằng bà là người đầu tiên loan báo.

Như đã biết trước việc xảy ra, và chẳng lạ gì với việc đang xảy ra, thím Hậu xua cố vài nhát chổi cho nốt góc sân đang quét dở rồi mới bước ra cổng. Đúng lúc bà Loan bước vào, thím Hậu liền hỏi:

- Nhà em ngã ở chỗ nào hả bác?

Vừa hỏi, thím vừa đi ra khoảng đất rộng góc vườn, chỗ có bóng râm của cây xoài cổ thụ bao phủ quanh năm và xe cải tiến cũ, mưa, nắng cũng chẳng che đậy. Mà che đậy làm gì, có mấy ngày thím không dùng đến nó. Bây giờ thím cũng đang cúi người để kéo nó đi.

- Ở gần Đồng Mả ý. Ra mà kéo về.

Đồng Mả, cách nhà thím vài trăm mét. Chỗ đó có quán ông Thanh mù. Đây là nơi tụ tập của dặt những gã vô công rồi nghề. Ăn tục nói phét. Rượu cả vò, chó cả con, những gã đàn ông như chồng thím. Ăn chán, uống chán, nát bét, ngã quăng, ngã quật, ngã dúi, ngã dụi ở đâu đó, lại mất công người nhà đi chở về.

Có điều, người khác thì vợ, con, anh, em của họ chở bằng xe máy còn thím cứ lộc cộc xe cải tiến, chiếc xe cuối cùng còn sót lại trong làng. Lần này là lần thứ bao nhiêu thím Hậu đi kéo chồng về, thím không đếm xuể.

Cái việc kéo chồng say của thím, một vài lần đầu, dân làng còn lạ lẫm còn cười, còn bàn tán. Sau rồi cũng nhàm và chán vì nó diễn ra quá thường xuyên. Cứ năm, ba bữa lại có người gọi. Dần dà, việc đi kéo chồng say của thím bình thản như một lẽ thường. Thím không còn hơi đâu để buồn, để tủi hổ nữa.

Chiếc xe cải tiến lộc cộc đến gần cánh Đồng Mả. Từ xa, thím thấy hai, ba người đang nhấp nhô, chỉ chỏ. Lại gần, thím thấy chú Vững, chồng thím, nửa thân trên vắt trên bờ, nửa thân dưới còn trong mương.

May mà mùa này mương cạn, đồng khô. Quần áo chú không ướt, chỉ bết bát bùn. Chú im lìm, tái nhợt, giọng khò khè như con vịt đực. Mùi rượu nồng nặc khiến người ta phát nôn.

- Có mau kéo anh ấy về không!

Chú Phương nói với thím Hậu, trên tay còn cầm chiếc cuốc, có lẽ vừa đi ngang qua.

- Lè nhè mãi, vừa im được một lúc, chắc ngấm rượu rồi. Đưa về mau kẻo chết vì rượu.

- Vâng! Em nhờ các bác khênh giúp nhà em lên xe để em kéo về.

Kỳ lạ thật, rơi vào hoàn cảnh này mà thím Hậu vẫn rất ngọt ngào, lễ phép trong cách xưng hô với chồng. Mà quả thật, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, chưa bao giờ tôi nghe thấy thím hỗn hào với chú. Thím vẫn một điều anh, hai điều em rất ngọt ngào.

Mẹ tôi, đã có lần bảo: “Chúng mày sau này lấy chồng phải học cái nết của con cái Hậu. Nó khéo léo cư xử với chồng không chê vào đâu được”.

Tiếng xe cải tiến đã lộc cộc về đến đầu ngõ. Nhà tôi và nhà thím Hậu sát vách nên mọi động tĩnh nghe rõ mồn một. Tôi hiểu là thím lại kéo chú về, đưa chú lên giường, thay quần áo, lau rửa, nấu sẵn nồi cháo loãng, chờ chú tỉnh dậy, bưng bát cháo nóng hổi lên để chú ăn cho tỉnh rượu và lại sức.

Nhiều lần chứng kiến cảnh ấy, tôi thắc mắc: “Sao thím Hậu khổ thế. Mặc xác cho chú ấy chết”. Giọng mẹ tôi trầm xuống: “Khổ con Hậu lắm! Bao giờ chúng mày lớn, chúng mày có chồng con, chúng mày mới hiểu chuyện nhà nó”.

“Chuyện nhà nó”, mà mẹ tôi nói về thím Hậu, thực ra tôi cũng lờ mờ hiểu. Tôi nghe kể rằng, hồi còn con gái, thím Hậu không xinh nhưng chịu khó, chăm chỉ. Khối người trong xã nhấp nhỉ nhờ mối lái để lấy được thím. Nhưng không hiểu sao thím không ưng ai.

Nghe đồn, thím chờ một người, chờ từ năm mười bẩy tuổi, chờ mãi, chờ mãi mà người đó vẫn biệt tích. Khi người thím chờ trở về thì họ đã đuề huề vợ con, đang sinh sống hạnh phúc nơi xứ khác. Người ấy về được vài ba ngày, lại vội vã đi. Năm đó, thím hai mươi tám tuổi.

Ở quê, con gái nông thôn hai tám tuổi là ế chỏng, ế chơ. Đúng lúc này, chú Vững, nhà con một, mẹ góa, được nuông chiều. Chú chơi bời, say xỉn, nên hỏi vợ mãi mà không ai lấy. Họ chê chú.

Một hôm, bà Vững, mẹ chú bưng trầu cau sang nhà thím Hậu để hỏi thím cho con bà. Người ta thấy bà ngồi với thím Hậu, không rõ tỉ tê gì, những cả một buổi chiều. Ban đầu chú cũng ỏng eo lắm, chê thím già hơn chú ba tuổi. Sau rồi chả ai lấy nên chú đành nghe theo sự sắp đặt của mẹ.

Đám cưới diễn ra nhanh chóng. Nhạc cưới rộn ràng. Cô dâu mặc chiếc áo cưới rộng có vẻ mệt mỏi, bơ phờ. Chú Vững thì cứ ngửa cổ nhận rượu chúc mừng. Ly rượu nào cũng tận tình, ly rượu nào cũng cạn.

Tôi nhớ mãi đêm tân hôn ồn ào của chú thím. Tiếng chú Vững la lối, chửi thề. Đồ đạc kêu loảng xoảng. Có tiếng khóc dấm dứt của thím Hậu. Có tiếng can ngăn của bà mẹ chồng góa bụa lâu năm. Tiếng chú Vững rít qua kẽ răng:

- Mày lừa ông. Mày có con với thằng nào? Mày định cho ông đổ vỏ hả?

Tiếng bà mẹ chồng:

- Con ơi, mẹ xin con, nhỏ tiếng thôi con, kẻo dân làng người ta cười cho.

Vẫn tiếng rít của chú:

- Con mất nết… Mày… Mày… Giọng chú như hụt hẫng, như nghẹn lại, như không thở nổi, cái khó thở của người đang uất ức.

- Nó không lừa!

Giọng đanh lại. Thái độ bà Vững khác hẳn.

- Nó không lừa! Mẹ biết cả. Nó đã thú thực với mẹ trước khi mẹ hỏi cưới nó cho con.

Chú vững gầm lên:

- Sao mẹ làm vậy?

Ở góc giường, thím Hậu vẫn thút thít. Tiếng bà mẹ chồng trầm tĩnh. Con nghĩ xem, mẹ già rồi, con cứ mải chơi lêu lổng, suốt ngày rượu chè, không đứa nào đồng ý lấy con. May có con cái Hậu nó chấp nhận. Nó lỡ dại với người ta.

Nhưng con ơi, cá vào ao ai người ấy hưởng. Con cho con một gia đình, con cho con Hậu một gia đình, cho đứa nhỏ trong bụng nó một gia đình. Thôi, giờ sự việc đã rồi, tất cả là tại mẹ.

Con đừng suy nghĩ nữa, đừng ruồng rẫy nó nữa mà tội nghiệp mẹ con nó. Cứ như vậy, bà tỉ tê một hồi thì không thấy tiếng chú Vững quăng quật hay quát nạt. Dường như chú đã mệt, đã ngủ vì ngấm hơi men hay vì lẽ gì khác cũng không thể biết.

Đêm khuya thanh vắng, tiếng thím Hậu vẫn thút thít, lúc đầu to sau nhỏ dần. Thím nói trong nghẹn ngào:

- Con xin lỗi mẹ! Con ngàn lần đội ơn mẹ!

Tiếng bà mẹ chồng:

- Không sao con ạ! Sao con không bảo mẹ trước. Con cứ thắt bụng thế này đứa bé làm sao là con có tội đấy. Từ mai không được thắt nữa nghe chưa.

Thím Hậu dạ khẽ một tiếng nhưng vẫn khóc. Bà Vững vỗ về:

- Thôi nín đi con, phụ nữ mình khổ lắm con ạ! Mau nín đi, rồi đi ngủ, đừng suy nghĩ nhiều kẻo ảnh hưởng đứa bé trong bụng.

Câu chuyện của chú Vững, thím Hậu diễn ra trong đêm tân hôn vậy mà cả làng biết. Người ta xì xào, người ta bàn tán to nhỏ. Nhưng tuyệt đối người ta không nghe tiếng bà mẹ chồng và chú Vững nhắc đến câu chuyện này bao giờ. Nhất là chú Vững, cả khi chú say, bạn nhậu khiêu khích, chú cũng chỉ nói những câu nhảm nhí nào đó, không rõ nghĩa. Rồi lịm đi trong cơn say.

Bà Vững vẫn vui vẻ bảo ban, chăm sóc con cháu, vẫn thấy bà và thím Hậu ríu rít bên nhau mỗi buổi làm đồng. Thế rồi khi thím Hậu sinh con, tức là chỉ hơn sáu tháng sau ngày cưới, thím đã sinh một bé gái bụ bẫm.

Ngày thím sinh, chú Vững đứng ở cửa nhà hộ sinh cũng lóng ngóng, cũng sốt sắng, cũng ra dáng người đàn ông trong tâm trạng đón đứa con đầu lòng. Còn bà Vững thì khỏi phải nói.

Bà vui lắm, hẳn cái việc thím Hậu sinh non những gần ba tháng không phiền gì đến bà. Bà đón nhận đứa bé một cách tự nhiên và chăm bẵm tận tình. Thím Hậu được ở cữ một tháng. Bà Vững không bắt thím làm gì. Chỉ có chú Vững vẫn chìm trong rượu. Chú vẫn say và có chiều hướng nát hơn.

Thế rồi, khi đứa bé được gần hai tuổi, mẹ chồng thím Hậu qua đời. Khi bà mất, thím Hậu khóc nhiều lắm. Thím ngất lên ngất xuống. Tôi nghe mẹ tôi và bác Loan nói với nhau. Trước khi mất, bà Vững, mẹ chồng thím, không gọi con trai mà lại gọi con dâu dặn dò:

- Phụ nữ mình khổ con ạ. Mẹ hiểu nỗi khổ của con, hiểu sự thua thiệt, mất mát nơi con. Thằng Vững, chồng con ấy, mẹ cũng có nó trước khi lấy thầy con. Mẹ biết ơn thầy con. Ông ấy cảm thông chia sẻ, ông ấy che chở rồi mang cả bí mật ấy sang thế giới bên kia.

Ông ấy ra đi quá sớm, mẹ đã không có cơ hội để trả ơn, trả nghĩa cho ông ấy. Tiếc rằng, mẹ không thể có với ông ấy một mụn con. Cái đận lên quai bị tưởng xoàng xoàng mà lấy đi khả năng sinh con của ông ấy. Mẹ cũng không thể tìm được bố đẻ thằng Vững. Tìm sao được khi người ta bịt mắt hãm hiếp đêm hôm.

Thằng Vững không phải kết quả tình yêu nhưng nó là con mẹ. Mẹ sinh ra nó nhưng tính tình nó thì trời sinh con ạ. Nó suốt ngày say xỉn làm khổ con. Thôi thì, đó cũng là cái số. Trời bắt con gánh tội nợ cho nó, khiến con khổ cả đời vì nó. Mẹ thay mặt nó cảm ơn con…

Bà Vững thều thào nhiều lắm… thều thào đến lúc mệt lả. Dường như những gì chất chứa trong lòng, giờ bà muốn nói hết để thanh thản ra đi.

Thím Hậu òa khóc nức nở. Thím biết bà không qua khỏi. Những lời từ tận đáy lòng của bà càng khiến thím thêm yêu, thêm cảm phục và kính nể mẹ chồng hơn.

Mẹ chồng thím Hậu đã sang thế giới bên kia được gần chục năm. Thím cũng có thêm thằng Phúc. Thím vẫn tảo tần nuôi hai con nhỏ. Chú Vững vẫn vậy, vẫn rượu chè, say xỉn, cứ năm ba bữa thím lại lộc cộc đi kéo chồng về.

Và hôm nay, không rõ tâm trạng thím thế nào, chỉ thấy khuôn mặt thím trống trải, mệt mỏi, vô hồn. Chú Vững mất rồi. Chú vừa mất hôm kia. Đám tang cũng vừa xong. Chú mất khi uống rượu say, ngã xuống mương mùa đầy nước. Lần này, chú không còn may mắn như vô số lần khác.

Tiếng xe cải tiến lộc cộc của thím Hậu không còn vang lên trên đường làng quen thuộc. Cái xe sẽ được xếp vào một xó nào đó, rồi lãng quên. Thím Hậu cũng vậy, thím đã hoàn thành sứ mệnh của mình chăng?

Tôi tự hỏi, tròn mười năm chung sống với chú Vững, thím Hậu có hạnh phúc không? Có lúc nào thím hạnh phúc chưa? Ôi! Những người phụ nữ như thím Hậu, như mẹ chồng thím Hậu có thể hạnh phúc không? Có quyền hạnh phúc không?

Những người phụ nữ lỡ mang thai trước hôn nhân, chả lẽ cứ thua thiệt, nhẫn nhục để gá kết với một người không yêu chỉ vì ý nghĩ: Cho đỡ mang tiếng chửa hoang. Hay may mắn được người đàn ông bên mình cảm thông thì lại phải giữ bí mật với đời đến lúc lâm chung. Để rồi giây phút cuối cùng, mới bộc bạch hết tâm can, mới như được rũ bỏ hết nợ dương gian.

Nắng đã lên đến đỉnh đầu. Hôm nhà có đám, người ta chặt tỉa bớt cành lá của cây xoài cổ thụ, nơi thím Hậu vẫn để xe cải tiến cũ kĩ. Không rõ người ta đã đem nó đi đâu. Bóng râm thu hẹp lại, nhỏ xíu nhường không gian cho nắng vàng rực, lấp loáng cả khu vườn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ