Bác sĩ Trương Thị Hòa, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho hay, vitamin A là vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với cơ thể.
Vitamin A giúp trẻ tăng cân nhanh, phát triển chiều cao, tăng chuyển hóa các chất và giúp biệt hóa tế bào. Tuổi càng lớn thì nhu cầu vitamin A của cơ thể càng nhiều. Loại vitamin này cũng có vai trò tăng cường miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ biểu mô như da, niêm nạc. Đặc biệt vitamin A rất cần để chuyển hóa các tế bào của võng mạc mắt, tăng cường thị lực.
Trẻ nhỏ cần bổ sung đầy đủ vitamin A để tăng sức đề kháng của cơ thể. |
Trẻ nhỏ thiếu vitamin A thường mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn, da khô, tóc rụng. Sức đề kháng của cơ thể giảm thì trẻ dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, da.
Triệu chứng quáng gà (khả năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng giảm kém) và các tổn thương tại chỗ như khô giác mạc, khô màng tiếp hợp, kết mạc mắt sừng hóa, biến dạng, vệt bitôt... cũng là dấu hiệu thiếu vitamin A. Trường hợp nặng sẽ gây nhuyễn giác mạc, loét giác mạc, mù lòa.
Để đảm bảo vitamin A cho cơ thể trẻ nhỏ, bác sĩ Hòa khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú cần ăn đủ lượng và chất hàng ngày. Ba tháng đầu thai kỳ, bà bầu không được uống vitamin A liều cao vì có thể gây dị dạng bẩm sinh cho thai nhi.
Nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi chào đời đến trẻ được 24 tháng tuổi hoặc hơn. Từ tháng thứ 4 trở đi, cho trẻ ăn dặm để đảm bảo thức ăn cung cấp đủ vitamin A, chất đạm và chất béo cũng như muối khoáng hàng ngày. Nguồn cung cấp vitamin A có từ động vật, thịt, cá, trứng, sữa, gan; thực vật là các loại rau, đậu, trái cây có màu xanh, vàng, đỏ. "Trẻ được bú sữa mẹ, uống sữa công thức, ăn đủ các loại rau củ quả, trứng gà, dầu bơ, gan động vật, sẽ được cung cấp đầy đủ vitamin A", bác sĩ Hòa chia sẻ.
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi cần bổ sung vitamin A.