Người hay lo âu thường chết trẻ: 5 “bài thuốc” không mất tiền mua

GD&TĐ - Lo lắng đang trở thành vấn đề sức khỏe hàng đầu ở Mỹ. Bác sĩ Alexis Carrel, đoạt giải Nobel về Y học, từng nói: “Những người không biết cách chống lại âu lo thường chết trẻ”.

Người hay lo âu thường chết trẻ: 5 “bài thuốc” không mất tiền mua

Lo lắng được xem là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần hàng đầu ở Mỹ. Chứng rối loạn lo lâu cũng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, đáng lo ngại là con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lạị.

Nhà triết gia nổi tiếng Plato từng cho rằng “Sai lầm lớn nhất của các thầy thuốc là cố gắng chữa trị phần thể xác mà không cố gắng cứu chữa tinh thần của người bệnh; họ đã quên rằng tinh thần và thể xác luôn đi đôi với nhau”.

Trong cuốn sách How to stop worrying and start living (Quẳng gánh lo đi mà vui sống) của tác giả Dale Carnegie từng nói đến lo âu là căn bệnh gây ra thiệt hại gấp 10.000 lần so với bệnh đậu mùa trong cùng một khoảng thời gian. 

“Khi nói về tác hại của chứng lo âu, bác sĩ Alexis Carrel, người từng đoạt giải Nobel về Y học nói rằng: “Những người không biết cách chống lại âu lo thường chết trẻ…

… Còn theo bác sĩ O. F. Gober, Bác sĩ trưởng của Hiệp hội Bệnh viện Gulf, Colorado và Santa Fe, thì chỉ cần sống mà không phải sợ hãi hay lo nghĩ gì thì 70% người bệnh có thể tự chữa khỏi cho mình… Nó là nguyên nhân của các căn bệnh như khó tiêu, viêm loét dạ dày, rối loạn nhịp tim, đau đầu, chứng tê liệt…” (*)

Cũng bàn về vấn đề lo lắng, Tiến sĩ Una McCann, Giáo sư về Khoa học Tâm thần và Hành vi tại Trường Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) đã chỉ ra mối liên quan giữa lo lắng và nguy cơ bệnh tim.

“Theo quan điểm và kinh nghiệm lâm sang của cá nhân tôi, rối loạn lo âu có thể đóng vai trò chính trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Tôi cho rằng, nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này góp phần mở ra hướng đi mới trong phục hồi và điều trị bệnh”.

Các nhà tâm lý học từng đưa ra rất nhiều lời khuyên giúp bạn đối phó với lo lắng và căng thẳng. Những kỹ thuật đơn giản này cũng hiệu quả cho bất cứ ai muốn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là 5 lời khuyên hữu ích giúp bạn chống lại chứng lo lắng.

1. Học cách chống lại những suy nghĩ tiêu cực

Lo lắng được ví như một quả cầu tuyết lăn xuống ngọn đồi, chỉ có bạn mới có khả năng ngăn chặn nó. Trước tiên, bạn phải học cách ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.

Đừng để quá khứ ám ảnh và sự lo lắng về tương lai bủa vây tâm trí bạn, cố gắng hình dung cuộc sống hiện tại của bạn đang diễn ra tốt đẹp thay vì lo âu.

Nếu điều đó không hiệu quả, hãy lập một danh sách. Viết ra những gì trong tâm trí và bắt đầu thực hiện nó. Bài tập này sẽ giúp hợp lý hóa các vấn đề và tìm ra căn nguyên của sự lo lắng. Bạn cũng có thể viết ra mục tiêu và tìm cách đạt được chúng.

2. Thiền và hít thở

Đây là một trong những lời khuyên phổ biến và hiệu quả nhất để chống lại lo lắng và phiền muộn. Nếu bạn thường xuyên phải đối mặt với chứng lo lắng, hãy cân nhắc tham gia lớp học thiền. Thực hành thói quen này thường xuyên sẽ giúp bạn giảm stress và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hành kỹ thuật hít thở. Thở sâu và đều rất hữu ích cho việc thư giãn trước khi ngủ.

3. Tập thể dục

Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất giúp não giải phóng endorphin và serotonin – enzyme có tác dụng tăng cường cảm giác khoái lạc và sự thoải mái. Tập thể dục giúp tăng nhiệt toàn bộ cơ thể, đồng thời làm giảm căng thẳng bên trong các cơ bắp của bạn.

4. Dùng liệu pháp thảo mộc

Một số loại thảo mộc như hoa oải hương hay cúc la mã có tác dụng giúp bạn giảm bớt sự lo lắng, kích động và rất có lợi cho giấc ngủ. Bạn có thể dung trà từ các loại thảo mộc này hoặc cho một vài giọt tinh dầu và bồn tắm để thư giãn.

5. Tránh cà phê

Caffeine được chứng minh là có thể làm tăng mức độ lo lắng, thậm chí là gây ra các đợt hoảng loạn ở những người mắc chứng rối loạn hoảng loạn.

Caffeine cũng là chất kích thích có thể dẫn đến căng thẳng, tăng nhịp tim, gây mất ngủ.

(*) Trích trong cuốn How to stop worrying and start living – (Quẳng gánh lo đi mà vui sống) của tác giả Dale Carnegie.

Theo Trí Thức Trẻ/soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ