Thúy nước mắt nước mũi ròng ròng, nấc không thành tiếng: "Ai chả muốn đi, nhưng... đau... không đi nổi, huhu". Vợ giải thích không rõ đầu đuôi, Thâm bực mình, hỏi cộc lốc: "Đau chỗ nào? Làm sao đau?".
Thúy chìa bàn chân lấm lem máu, thút thít: "Bị bật cả móng chân rồi đây này. Chồng mau sát trùng, băng bó cho vợ đi. Lúc nãy vợ bị chân chống xe máy quệt vào. Tháng này vợ đen quá, mấy hôm trước bị gãy móng tay, giờ thì bay cả cái móng chân, chẳng biết mấy hôm tới còn gặp chuyện gì nữa, mà giờ mới là đầu tháng, vợ lo lắm".
Thâm vừa băng bó cho vợ vừa mắng: "Phỉ phui cái miệng, điều hay không nói, toàn nói điềm gở. Tôi thấy mấy cái thứ tai nạn cô gặp phải không xứng đáng được gọi là hạn hay đen đủi đâu. Tất cả đều từ cái tính cẩu thả của cô mà ra.
Gãy móng tay là chuyện hết sức bình thường, tại cô để móng quá dài lại không chịu cắt, nó gãy cho là may. Còn vụ bị bật móng chân cũng không oan đâu. Cô đi xe máy bao lâu nay thì phải hiểu nguyên tắc gạt chân chống rồi mới lùi xe. Cô chẳng chịu để tâm những điều tôi dặn còn đổ tại vận đen, thật vô lý!".
Không chịu khuất phục trước tràng mắng nhiếc của chồng, Thúy quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình: "Vợ nói cho chồng tỉnh ngộ nhé, tháng này không phải mình vợ gặp hạn đâu, chồng cũng phải cẩn thận. Chuyện hôm trước cái bể cá tự nhiên bị vỡ, lúc chồng dọn rồi bị thủy tinh đâm chảy máu tay ấy, không phải hạn thì là gì?".
"Khổ! Tôi nói biết bao nhiêu lần mà cô chưa chịu "thủng" à? Chuyện bể cá vỡ cũng chỉ tại cái tính bất cẩn của cô. Cô quên đóng cửa sổ nên mèo nhà hàng xóm mới mò vào hẩy cả bình cá xuống đất. Từ giờ tôi cấm cô mê tín vớ vẩn nhé, lo mà sửa cái tính bất cẩn của cô thì coi như nhà này không bao giờ gặp vận hạn nữa".
Vừa bị đau chân, vừa bị chồng mắng một tràng, Thúy ức nghẹn họng, vùng vằng xách cái túi rồi bước cà nhắc ra khỏi nhà. Thâm gọi với theo: "Chân đau mà vội đi đâu thế?". Thúy không thèm trả lời.
Buổi tối hôm đó, cô trở về nhà cùng một người đàn ông lạ. Thoạt nhìn đã chẳng thể ưa nổi, trời xâm xẩm tối mà lão cứ đeo cái kiếng đen khiến Thâm khó chịu.
Thúy kéo chồng vào một góc, thì thào: "Vợ mời thầy cúng về giải hạn cho nhà mình. Chồng đừng can thiệp, cứ ngồi im một chỗ để vợ lo vụ này".
Cô ta nói thế thì Thâm cũng chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn. Lão thầy cúng sau một hồi ngó nghiêng quanh nhà thì phán: "Nhà này gặp hạn tam tai đấy, không giải ngay bây giờ thì đúng là tai họa". Vừa nghe thấy thế, mặt Thúy xám ngoét: "Thế... thế... nhà con phải chuẩn bị những gì để làm lễ hả thầy?".
Lão thầy cúng thủng thẳng: "Nhà chị chuẩn bị cho tôi cái lễ như này nhá: 3 chung nước, 1 nhúm muối gạo, 3 miếng trầu cau, 1 khúc dây lưng quần cắt làm 3 đoạn, 3 điếu thuốc hút, 1 bộ Tam Sanh gồm 1 trứng hột vịt luộc, 1 con tôm luộc, 1 miếng thịt ba rọi luộc, 3 chung rượu, 1 ít tóc rối của người mắc tam tai, 3 tờ tiền thật gói lại bằng giấy đỏ, 1 cặp đèn cầy, giấy vàng bạc, bông, trái cây, 1 bộ đồ thế và 3 cây nhang".
"Vâng, chuyện nhỏ ạ" - vừa nói, Thúy vừa giật một nhúm tóc trên đầu rồi đưa cho thầy. Một lúc sau, lễ vật đã được cô giúp việc nhà Thâm chuẩn bị đầy đủ.
Lão thầy cúng thắp hương, lẩm nhẩm một hồi rồi nhổm dậy: "Xong rồi đấy! Đợi hết tuần hương thì chị hẵng vái và rót trà, rượu đủ 3 lần, sau đó thì hóa vàng như bình thường nhá". Thúy nhanh nhảu dúi vào tay thầy cúng cái phong bì, rối rít: "Dạ, con cám ơn thầy!".
Chứng kiến màn cúng giải hạn của vợ, Thâm không nhịn được cười: "Hi hi, để xem ngày mai nhà mình còn cái hạn tam tai hay tứ chi gì nữa không nhé". Thúy không nói gì mà chỉ làm nốt những thủ tục còn lại như thầy cúng dặn rồi mang vàng mã lên sân thượng đốt.
Giải tỏa được gánh nặng tâm lý, đêm hôm đó Thúy đánh một giấc say sưa cho đến khi tiếng thét của Thâm làm cô choàng dậy: "Có... có... có chuyện gì thế hả chồng?". Thâm mặt đỏ tía tai: "Chồng với chiếc cái gì? Tôi nói rồi mà cô không nghe, vận hạn nhà mình đều do cái tính cẩu thả của cô mà ra. Hôm qua cô hóa vàng trên sân thượng thế nào mà hôm nay cây cảnh của tôi rủ nhau héo hết cả! Trời ơi! Thu nhập cả năm của tôi đều trông mong vào lứa "siêu cây" này đấy! Cô hại chết tôi rồi!!!".