Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này do quy hoạch đất cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Giải quyết bài toán này cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Thách thức lớn từ việc thiếu trường học
Gần 10 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải và chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa) phải gửi 3 con về quê học tập. Cháu đầu năm học tới lên lớp 9. Cháu thứ hai lên lớp 7 và con trai út lên lớp 3. Nhớ con, vợ chồng anh cũng đành chấp nhận.
Anh Hải chia sẻ, thu nhập từ công nhân không cao nên hai vợ chồng chỉ dám thuê phòng trọ nhỏ, dành dụm tiền gửi về cho ông bà trang trải sinh hoạt, học hành. Thứ nữa, cháu lớn năm học tới thi vào lớp 10, nếu ở đây sẽ không đủ điều kiện để học trường THPT công lập do không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội.
Chị Hoa tiếp lời chồng, nhiều gia đình công nhân có con nhỏ thường phải gửi ở nhóm giữ trẻ tư nhân gần khu công nghiệp. Vẫn biết đây là cơ sở tự phát, không đủ điều kiện trông giữ trẻ nhưng họ đành chấp nhận để đi làm.
Cả nước có gần 300 khu công nghiệp đang hoạt động, với hơn 4 triệu công nhân. Tuy nhiên, độ bao phủ của trường mầm non, nhất là nhà trẻ còn rất thấp, khoảng 25%. TPHCM là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều của cả nước, với 14 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Giáo dục thành phố này, tỷ lệ 15% quy hoạch đất cho giáo dục để đầu tư xây dựng là con số thấp, không đủ để phát triển cơ sở hạ tầng như trường, lớp, sân chơi, bãi tập, thư viện…
Tỷ lệ quy hoạch trường học ở các quận, huyện ngoại thành khoảng 10 - 15m2/học sinh. Với các quận nội thành, con số này còn thấp hơn. Thực tiễn trên khiến việc tạo dựng cơ sở vật chất, không gian khang trang, hiện đại cho cơ sở giáo dục còn nhiều rào cản.
Còn tại tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1.000 cơ sở giáo dục mầm non ở khu, cụm công nghiệp; trong đó có 119 trường công lập, 323 trường tư thục, 579 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục với trên 13.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, riêng giáo viên là hơn 7.000 người.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, cho hay, trước mắt, các cơ sở giáo dục cơ bản bảo đảm về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Tuy nhiên, giáo dục mầm non của địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa do không có thu nhập để chi trả lương giáo viên và tiền mặt bằng... Ngoài ra, tỉnh cũng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng (gần 3.000 người), tập trung chủ yếu là giáo viên mầm non tư thục. Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG |
Bảo đảm quyền được đi học của trẻ
Mặc dù, chính sách giáo dục từ nhà trẻ cho đến các cấp học phổ thông được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên TS Nguyễn Hải Hữu, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam nhìn nhận, đối với trẻ em di cư, chính sách mới chỉ quan tâm đến nhóm trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non. Đối với cấp học phổ thông, đặc biệt là THPT, chưa có sự quan tâm đúng mức, vẫn còn phân biệt giữa nhóm di cư và trẻ em địa phương.
Các cơ sở trông giữ trẻ, mầm non, mẫu giáo cho con công nhân không sẵn có trong các khu công nghiệp. Còn cơ sở giáo dục công lập tại địa phương lao động di cư tạm trú lại rơi vào tình trạng quá tải, việc xin học gặp khó khăn, trong khi tại cơ sở tư thục chi phí cao, vượt khả năng chi trả của nhiều gia đình.
Ngoài ra, người lao động di cư làm việc trong khu công nghiệp rất khó khăn trong việc đưa đón con do đặc thù công việc, phải làm việc theo chế độ ca kíp. Kết quả khảo sát cho thấy, còn gần 15% trẻ em trong độ tuổi chưa được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục; trong đó có cơ sở cung cấp dịch vụ nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non. Nhiều trẻ phải ở nhà hoặc gửi đến nhóm trông trẻ tự phát, không đảm bảo điều kiện an toàn.
Đối với cấp tiểu học và THCS, TS Nguyễn Hải Hữu cho hay, việc nhập học khá khó khăn và không chắc chắn do trường công lập bắt đầu quá tải và quy định về tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) bất lợi cho trẻ em di cư. Trẻ di cư thường được xếp trong những lớp có sĩ số học sinh cao hơn, thậm chí là lớp học dành cho học sinh tạm trú trên địa bàn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Viện dẫn kết quả của một khảo sát, TS Nguyễn Hải Hữu thông tin, trong số 628 trẻ em thuộc 500 hộ gia đình người lao động làm việc tại 5 khu công nghiệp, chỉ có 11 trẻ ở độ tuổi học THPT và đang theo học ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội. Trong số này, có 5 trẻ đang học trong cơ sở giáo dục công lập thuộc nơi đang tạm trú và huyện khác, 6 trẻ học tại các trường tư thục trên địa bàn.
“Kết quả các cuộc thảo luận, phỏng vấn sâu nhóm phụ huynh cho thấy, đa số lao động di cư làm việc tại các khu công nghiệp có con trong độ tuổi THPT đều học tại quê nhà. Lý do là họ không thể tiếp cận với cơ sở giáo dục THPT công lập ở nơi tạm trú. Với cơ sở giáo dục dân lập, chi phí vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình”, TS Nguyễn Hải Hữu cho hay.
Từ kết quả điều tra, khảo sát, TS Nguyễn Hải Hữu nhận thấy, việc tiếp cận với giáo dục THPT của trẻ di cư gặp một số rào cản; trong đó vấn đề chính phải là người thường trú tại địa phương. Bởi theo hướng dẫn về tuyển sinh của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, một trong những điều kiện tuyển sinh vào trường THPT công lập không chuyên là phải có hộ khẩu/thường trú tại địa phương.
Thiếu trường học có nguyên nhân từ thiếu quỹ đất cho giáo dục, nhất là với thành phố lớn. Do đó, TS Nguyễn Hải Hữu cho rằng, ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhu cầu bức thiết.
Theo đó, các địa phương cần ưu tiên quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa giáo dục; khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng trường học. Mặt khác, tăng cường công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân; trong đó có lao động di cư.
Cần chính sách ưu đãi về đất đối với giáo dục
Liên quan đến quy hoạch đất dành cho giáo dục, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến, giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia. Do vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bố trí chính sách ưu đãi về đất đối với lĩnh vực giáo dục.
Một trường mầm non ở khu công nghiệp tại huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: ITN |
Qua thực tế kiểm tra, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhận thấy, rất nhiều đất, trong đó có đất trường học ở các trung tâm khi chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc đấu giá luôn thu hút sự ưu tiên của các nhà đầu tư. Nhiều cơ sở giáo dục, kể cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chuyển sang vị trí khác (dù cách vài cây số so với vị trí cũ) nhưng cũng gặp khó khăn trong thu hút người học. Đại biểu cho rằng, ở những khu vực thuộc huyện, thị xã quỹ đất còn nhiều nên việc chuyển các cơ sở này ra bên ngoài (khá xa trung tâm) là không cần thiết.
Cũng theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, trường học thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng, thuê đất. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang thiếu trường học, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp. Nếu chỉ ưu tiên cho các cơ sở giáo dục công lập đồng nghĩa đẩy khó khăn cho các nhà đầu tư, vô hình trung làm ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta.
Đại biểu đề nghị, cần cân nhắc đến những nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó có cả giáo dục ngoài công lập. Coi đầu tư cho giáo dục như đầu tư trực tiếp cho tương lai con em chúng ta. Không nên nhìn nhận thuần túy là chúng ta đang đầu tư cho cá nhân, doanh nghiệp...
Liên quan đến quỹ đất cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông.
Đồng thời, các địa phương thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó, tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực đông dân cư.
“Có trường học an toàn không chỉ giúp người lao động yên tâm làm việc, mà còn đem đến sự phát triển cho doanh nghiệp. Trên hết là đảm bảo bình đẳng về quyền được đi học của mọi trẻ em”, TS Nguyễn Hải Hữu nêu quan điểm.