Chiều ngày 19/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Anh Đào – Chi Hội trưởng Hội nông dân ấp 2 (xã Thạnh Phú) cho biết: “Trong những ngày này, nhiều bà con nông dân trong vùng phải thuê người khoan giếng để lấy nước ngọt nhằm phục vụ cho việc bơm tưới. Hạn mặn xâm nhập kéo dài nên nhiều vườn cây ăn trái (chủ yếu là cam) có nguy cơ cháy lá, rụng trái,… khiến nông dân điêu đứng”.
Ông Ngô Anh Đào – Chi Hội trưởng Hội nông dân ấp 2 (xã Thạnh Phú) đang trao đổi với PV (ảnh Thanh Lâm). |
Anh Nguyễn Hoàng Vũ (44 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thạnh Phú) bày tỏ lo ngại: “Hiện gần chục ruộng của gia đình phải bỏ hoang, không thể gieo sạ do thiếu nước ngọt. Để giải quyết cơn “khát nước ngọt”, nhiều bà nông dân trong vùng đành bóp bụng bỏ ra cả chục triệu đồng để khoan giếng nhưng cũng không thấm vào đâu”.
Đất nứt nẻ do hạn mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua (ảnh Thanh Lâm). |
“Toàn ấp có 136 ha đã xuống giống, trong đó có khoảng 5 ha bị thiệt đến 60% do thiếu nước ngọt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm thì chủ yếu sử dụng nguồn nước bơm tay nên chưa thiệt hại. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn, mặn xâm nhập kéo dài thì nguy cơ khan hiếm nguồn nước, thức ăn (chủ yếu là cỏ cho bò ăn) cung cấp cho việc chăn nuôi sẽ càng trở nên phức tạp”, ông Mai Văn Nhớ – Trưởng Ban nhân ấp 1 (xã Thạnh Phú) nói.
Hạn mặn khiến rơm làm thức ăn cho bò cũng tăng giá, nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa đã dựng lều trại để trữ rơm khô (ảnh Thanh Lâm). |
Hiện nhiều hộ nông dân ở Trà Vinh trông chờ vào những cơn mưa để làm loãng độ mặn trên các kênh rạch.