80 năm lịch sử của tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2021) dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, nhiều thế hệ đội viên Đội thiếu niên tiền phong ngày nay đã và đang “lớn lên” cùng đất nước trong thời đại mới.
Các phong trào mang ý nghĩa lớn
Việc thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là nhu cầu tất yếu của lịch sử cách mạng, nhằm tập hợp thiếu nhi cả nước thành một tổ chức thống nhất hoạt động dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn thanh niên, giáo dục thiếu niên tinh thần cách mạng để trở thành một lực lượng dự bị của cách mạng.
Theo lời Bác dạy: ‘Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến, để giữ gìn hòa bình’, suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở mọi miền đất nước đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đội thiếu niên tiền phong đã triển khai nhiều phong trào như Phong trào Trần Quốc Toản, phong trào Vì miền nam ruột thị; Việc nhỏ, trí lớn, chống Mỹ cứu nước ; Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy… Hàng nghìn tập thể Đội viên và cá nhân đội viên đã giành được danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, nhiều đội viên đã trở thành anh hùng thiếu nhi cứu nước, …
Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ đề xướng từ tháng 2/1948. Xuất phát từ thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ viết thư cho thiếu nhi đề nghị tổ chức những Đội Trần Quốc Toàn để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào. Hình thức tổ chức đơn giản thành các đội nhỏ từ 5 đến 10 cháu giúp nhau học hành, lúc không học thì đi giúp đồng bào, sức làm được việc gì thì giúp việc ấy như : quét nhà, gánh nước, lấy củi, giữ em, giúp đỡ đồng bào tham gia kháng chiến.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các em thiếu nhi, nhi đồng đã giúp đỡ gia đình thương binh liệt sỹ 27.192 công lao động, tát nước, gánh phân, làm cỏ… Công tác Trần Quốc Toản đã trở thành một nội dung lâu dài của Đội. Sau này phát triển thành các hình thức phong phú khác như : Áo lụa tặng bà, đi tìm địa chỉ đỏ.. Phong trào đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, tạo lên một nếp sống lành mạnh, giúp tổ chức Đội ngày càng tham gia vào đời sống xã hội.
Trong thời bình, cả nước dốc sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn liền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đội thiếu niên tiền phong đã trở thành một tổ chức vững mạnh, triển khai nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi, có tính giáo dục cao, đặt mục tiêu vượt khó, vượt khổ, vươn lên học tập tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ.
Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời năm 1958, nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, lao động, tiết kiệm để xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong, đặt tại Hải Phòng. Đây là sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (Hà Nội ngày nay) và thành phố Hải Phòng. Phong trào kế hoạch nhỏ đã góp phần xây dưng các công trình khác như : Đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)..
Đến nay, phong trào kế hoạch nhỏ vẫn được phát triển và duy trì khắp các Liên đội trong nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ những việc làm nhỏ như chăn nuôi, trồng rau, thu nhặt phế liệu, giấy vụn… đến các phong trào lớn như Phong trào xây dựng Hợp tác xã măng non, lập các quỹ Vì bạn nghèo, Hỗ trợ tài năng trẻ, quỹ Vừa A Dính, Giải thưởng Kim Đồng… đã thu hút hàng tỷ đồng nhằm giúp đỡ hàng triệu bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thêm điều kiện sinh hoạt, học tập.
Năm 1961, tại trường cấp II Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), xuất phát từ ý tưởng cần phải hướng đội viên đến các việc làm có ích, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã phát động phong trào Ngô Gia Tự, khuyến khích các em nhỏ làm những việc thiết thực như vệ sinh lớp, vệ sinh trường, giúp đỡ bạn nghèo… Từ đây, phát triển lên thành Phong trào Nghìn việc tốt trên toàn quốc. Phong trào giúp đội viên, học sinh rèn luyện ý thức tiết kiệm, biết giúp đỡ, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Các phong trào khác như: Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ ; Hành quân theo bước chân những người anh hùng ; Về cội nguồn ; Vì điểm tựa tiền tiêu ; Áo lụa tặng bà ; Địa chỉ nghĩa tình… đã thu hút hàng triệu đội viên tham gia.
Thông qua các phong trào này, các em đội viên thiếu niên nhi đồng được tự rèn luyện và được giáo dục những truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tích cực thay đổi, thích ứng với yêu cầu của thời đại mới
Tính đến tháng 12/2020, toàn quốc có 8,2 triệu Đội viên, hơn 4,1 triệu thiếu niên và hơn 4,6 triệu nhi đồng cùng hơn 24.200 cán bộ tổng phụ trách trong các trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư ; hàng ngàn cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi, đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự phát triển của thế hệ măng non đất nước.
Đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm cho thiếu niên, nhi đồng và công tác trẻ em. Điển hình như Chỉ thị số 42-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 ; Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 ; Luật trẻ em ; Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI về phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đẩy mạnh cuộc vận động Vì đàn em thân yêu ; Kết luận số 75-KL/TWĐTN-CTTN ngày 14/9/2018 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022 …
Trong những năm qua, bằng việc đưa chính sách vào thực tế, nhiều phong trào, hoạt động đội mới đã tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực, thu hút đông đảo đội viên tham gia. Sau 4 năm triển khai thực hiện chỉ tiêu : hỗ trợ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng mới tại mỗi xã phường thị trấn ít nhất 01 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi ; cả nước xây dựng mới được 7.436 điểm vui chơi, hỗ trợ hơn 2.8 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn dưới nhiều hình thức như : hỗ trợ học bổng, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt, .. với tổng mức kinh phí gần 1.106 tỷ đồng.
Phong trào Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của thiếu niên, nhi đồng bằng các việc làm cụ thể, hướng vào các mục tiêu cụ thể như : Tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào ; Học tập tốt, lao động tốt ; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt ; Giữ gìn vệ sinh thật tốt ; Khiêm tốn thật thà dũng cảm.
Trải qua 9 kỳ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, đã có 2.614 thiếu nhi được tuyên dương là Cháu ngoan Bác Hồ cấp toàn quốc.
Chương trình Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam và cuộc vận động Vì đàn em thân yêu cũng đã tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa trong cộng đồng. Đặc biệt, ngày càng nhiều hoạt động cụ thể được tổ chức nhằm trang bị kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội, hướng vào các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế, các hoạt động giáo dục sáng tạo như : Chương trình Em yêu nước sạch ; ngày hội sắc màu ; Đọc sách vì tương lai ; sân chơi Tài năng Anh ngữ Việt Nam ; chương trình Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới ; Học kỳ quân đội ; Học kỳ công an ; trại hè Trải nghiệm để trưởng thành….
Kế thừa và phát huy truyền thống 80 năm trưởng thành và phát triển của Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều sáng kiến, cách làm mới hoạt động đội hướng đội viên, thanh thiếu nhi vào các hoạt động giáo dục tích cực, xây dựng xã hội lành mạnh.
Bắt đầu từ các hoạt động nhỏ phát triển thành các phong trào lớn, có ý nghĩa tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã ngày một khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, xứng đáng là tổ chức tin cậy của thiếu niên nhi đồng toàn quốc.