Thiết thực hoạt động hướng nghiệp cho học sinh bậc Trung học

GD&TĐ - Định hướng nghề nghiệp giúp học sinh chủ động nắm bắt kiến thức, xác định rõ ràng mục tiêu học tập để đáp ứng nghề nghiệp tương lai.

Tọa đàm định hướng nghề nghiệp tương lai do Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh tổ chức.
Tọa đàm định hướng nghề nghiệp tương lai do Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh tổ chức.

Trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận

Đang trong thời điểm giá rét nhưng không khí trong chương trình hướng nghiệp và định hướng tương lai tại Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh tổ chức vào dịp cuối năm vẫn không hề hạ nhiệt. Mục đích của chương trình là để góp phần giúp các em học sinh hiểu rõ bản thân mình, có lộ trình và kế hoạch phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp tương lai của bản thân. Các em học sinh đều vô cùng phấn khích và háo hức khi được nhà trường tạo điều kiện để tiếp cận, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, thể chất.

Theo cô Vũ Thị Phương Anh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, công tác định hướng nghề nghiệp được xem là một trong các yếu tố quan trọng của chương trình Giáo dục phát triển. Điều này thể hiện trong việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với năng lực sở trường cũng như trong chương trình môn học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực và trong chương trình môn học trải nghiệm và hướng nghiệp.

“Việc định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các bạn học sinh chủ động hơn trong việc nắm bắt kiến thức, đặc biệt là những thông tin hữu ích liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp. Định hướng nghề nghiệp sớm còn giúp học sinh xác định rõ ràng hơn mục tiêu học tập để đáp ứng nghề nghiệp tương lai, không chỉ dừng tại việc học để thi”, cô Phương Anh chia sẻ.

Theo cô Vũ Thị Phương Anh, nhà trường mong muốn trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng tiếp cận, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, thể chất là nhiệm vụ mà . Bên cạnh đó cung cấp thông tin tuyển sinh, ngành nghề, các chương trình học bổng,... và việc làm sau tốt nghiệp của các trường Cao đẳng, Đại học, Học viện. Từ đó giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu chuyên ngành phù hợp bản thân qua tư vấn của các đơn vị về xu hướng ngành nghề và dự báo nguồn nhân lực trong những năm tới.

4.jpg
Cô Vũ Thị Phương Anh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh.

“Tuy nhiên, nhà trường mong muốn công tác hướng nghiệp không chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin ‘suông’ mà chính các em phải được trải nghiệm, tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực để có cái nhìn trực quan và thực tế. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức lớp học thử 13 lớp chuyên ngành như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, y – dược, báo chí,…. Những người đứng lớp để trò chuyện và giảng dạy đều là các chuyên gia trong lĩnh vực.

Từ đó, nhà trường mong muốn giúp học sinh hiểu bản thân, hiểu ngành, hiểu nghề và có định hướng tương lai rõ ràng hơn. Nhờ vậy có thể đưa ra quyết định phù hợp khi lựa chọn môn học, khối học và trường học ở bậc THPT (sau khi kết thúc bậc THCS); lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân và trường Đại học (sau khi kết thúc bậc THPT), tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc... khi học nhầm khối, ngành, chọn nhầm nghề trong tương lai”, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh nhận định.

5.jpg
Lớp học trải nghiệm thực tế do chuyên gia trực tiếp giảng dạy.

Định hướng đúng thời điểm

Cũng theo cô Vũ Thị Phương Anh, việc định hướng nghề nghiệp nên bắt đầu sớm từ cấp Trung học cơ sở. Đối với học sinh khối lớp 6 và lớp 7, các em nên hiểu được vai trò của các môn học với việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Ở khối lớp 8 và lớp 9, học sinh cần xác định, phải hiểu được năng lực, sở trường của bản thân để xác định tổ hợp môn học giúp phát triển năng lực khi vào lớp 10.

Đối học sinh cấp Trung học Phổ thông, đây là giai đoạn học sinh phải nhận thức được năng lực, sở trường cũng như xu hướng ngành nghề trong xã hội hiện tại. Các em phải tìm hiểu môi trường đào tạo phù hợp và phương thức tuyển sinh và các yêu cầu kĩ năng cần thiết. Nếu sớm có công tác định hướng, mỗi học sinh sẽ có được cho mình một lộ trình, mục tiêu để phát triển bản thân, học tập tốt và có hiệu quả hơn.

Trong đó, nhà trường đóng vai trò rất đặc biệt trong công tác hướng nghiệp của mỗi học sinh. Cụ thể, nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm cần tư vấn giúp học sinh cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp và đúng đắn nhất. Đồng thời, sát sao đồng hành giúp học sinh học tập tốt, năng cao năng lực phẩm chất và kỹ năng để đáp ứng các kỳ thi tuyển sinh cũng như việc tiếp tục học tập ở môi trường nghề nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, thực tế, công tác hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, cô Phương Anh cho biết: “Hiện nay, đa phần các giáo viên chưa được đào tạo công tác hướng nghiệp mà vẫn chỉ thực hiện dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân. Cùng với đó, một bộ phận giáo viên và cha mẹ học sinh chưa hiểu hết vai trò và tầm quan trọng của công tác định hướng nghề nghiệp từ sớm. Nhà trường vẫn đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền đồng thời xây dựng các chương trình phù hợp để đồng hành và hỗ trợ cho các em học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp cho các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...