Khi tiến hành thực hiện công tác hướng nghiệp, nhà trường đóng vai trò quan trọng giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ năng lực, sở thích và nhu cầu của bản thân cũng như nhu cầu của thị trường lao động việc làm. Qua đó, học sinh sẽ có cái nhìn đa chiều nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với khả năng, sở thích của mình.
Hướng nghiệp chưa bám sát thực tế?
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phân luồng học sinh một cách hiệu quả. Hướng nghiệp nhằm hỗ trợ các cá nhân trong quá trình lựa chọn, phát triển chuyên môn sao cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghề nghiệp trên thị trường lao động từ địa phương đến quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đóng góp rằng, việc hướng nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, lý thuyết và chưa thật sự đi sâu vào thực tế. Điều đó khiến việc định hướng của phụ huynh và học sinh còn mơ hồ, chưa rõ ràng, khó đưa ra một sự lựa chọn chắc chắn cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp tương lai.
Ông Bùi Tuấn Nam (40 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ, con trai ông hiện đang theo học tại một trường cao đẳng tại thành phố Hà Nội. Ông thừa nhận rằng, trước đây khi con còn đang học bậc trung học phổ thông, gia đình không có nhiều hiểu biết về công tác hướng nghiệp cho học sinh tại nhà trường. Việc góp ý hoặc đưa ra lời khuyên phù hợp với sở trường sở đoản của con vì thế không rõ ràng, dứt khoát được.
“Thực tế thì tôi không hiểu lắm về việc học hướng nghiệp của các cháu ở trường mà chỉ được nghe cháu về kể lại thôi. Chính vì thế nên vợ chồng tôi để các con tự chọn lựa ngành nghề theo học. Nghe con bảo muốn học công nghệ thông tin thì tôi cũng biết vậy chứ thực tế ngành đó học những gì, cơ hội nghề nghiệp thế nào, học hành tốn kém tiền bạc ra sao… thì tôi cũng chưa hiểu rõ ràng.
Nên chỉ khuyên cháu nên tìm hiểu kỹ rồi đưa ra quyết định. Tôi mong rằng nhà trường tổ chức nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp cho cả phụ huynh tới cùng nghe và tìm hiểu cùng các cháu thì có lẽ sẽ hiệu quả hơn”, ông Tuấn Nam cho biết.
Đồng quan điểm với vị phụ huynh này, Bùi Ngọc Minh (20 tuổi, quê Nghệ An) nhận định, trên thực tế, mục đích của hướng nghiệp là để học sinh cũng như phụ huynh hình dung rõ ràng về các ngành nghề, xác định được sở thích, năng lực của bản thân, để đưa ra lựa chọn phù hợp.
“Tuy nhiên, khi học hướng nghiệp tại trường, em vẫn chưa thật sự cảm thấy hiệu quả. Các tài liệu hướng nghiệp hầu hết chỉ cung cấp các thông tin khá chung chung về các ngành nghề, chưa đi sâu vào thực tế công việc.
Bên cạnh đó, cũng không định hướng sâu sát xem nếu học ngành nghề này, mức chi phí sẽ là bao nhiêu, học ở trường nào là tốt nhất, tốt ở điểm nào, không tốt ở điểm nào… Học sinh chủ yếu được tư vấn về việc lựa chọn trường đại học, mà chưa được cung cấp thông tin chi tiết về các ngành nghề và cơ hội nghề nghiệp thực tế.
Những thông tin này hầu hết là em tự tìm hiểu và tra cứu trên mạng. Sau đó em phải giải thích, chia sẻ lại để bố mẹ hiểu về chọn lựa của mình và thuyết phục để có được sự đồng ý. Em nghĩ rằng, tài liệu cần đi sâu vào thực tế, cung cấp các thông tin chi tiết về các ngành nghề hơn”, Ngọc Minh chia sẻ.
Tầm quan trọng của hướng nghiệp đúng đắn
Theo ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thì hiện nay, phần lớn các bậc phụ huynh và cả các em học sinh đều mong muốn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em phải đỗ vào các trường đại học. Trong khi đó chưa thật sự suy xét đến các yếu tố về năng lực học tập, ưu nhược điểm và sở thích của các em học sinh.
Thực tế, rất ít phụ huynh có nguyện vọng cho con em đi học nghề. Tuy nhiên trên thực tế, để có những bước đi vững vàng trong đời sống, đại học không phải là con đường duy nhất, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, khi các ngành nghề hầu hết đều ưu tiên tuyển chọn những người có năng lực thay vì chú trọng quá nhiều về bằng cấp.
“Việc hướng nghiệp cần căn cứ vào năng lực về học tập, tài chính, nhu cầu của mỗi học sinh cũng như nhu cầu của thị trường lao động để phân tích, định hướng cho các em có sự chuẩn bị, đưa ra được lựa chọn đúng đắn và phù hợp.
Thực tế, không ít người vẫn mang tâm lý quá coi trọng vấn đề địa vị xã hội khi lựa chọn nghề nghiệp, đánh giá thấp giá trị của một số ngành học. Thậm chí, nhiều phụ huynh vẫn giữ tâm lý chỉ những học sinh có học lực yếu kém mới phải đi học nghề. Tôi cho rằng, không nên chọn nghề dựa trên bề nổi, hào nhoáng bên ngoài mà phải hiểu được giá trị cốt lõi bên trong.
Hướng nghiệp cho học sinh phải giải quyết được vấn đề này, phá bỏ rào cản tâm lý về các vấn đề nêu trên, từ đó mới đảm bảo phân bố đồng đều lực lượng lao động trong xã hội”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội kết luận.
Để học sinh và phụ huynh có cái nhìn đúng, đa chiều và bao quát, ông Trịnh Cao Khải nhận định, cần đa dạng hóa các hoạt động hướng nghiệp hơn nữa. Ngoài ra, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nên có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được tham gia vào trải nghiệm thực tế, từ đó nắm rõ hơn về các ngành nghề.