Khó tuyển giáo viên trông trẻ
Theo nghiên cứu của Viện Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Hàn Quốc, 44% trường mẫu giáo tại các thị trấn nông nghiệp và ngư nghiệp khó tuyển giáo viên, so với 38,2% các trường ở thành phố lớn có khó khăn tương tự.
Đối với nhà trẻ, 71,4% cơ sở tại khu vực xa xôi khó khăn tuyển nhân viên, trong khi 55,7% những cơ sở ở thành phố có khó khăn tương tự.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các trường mẫu giáo và nhà trẻ tại khu vực vùng xa cần tuyển nhân viên, giáo viên có bằng cấp và năng lực cao vì trẻ em được nuôi bởi ông bà hoặc những bà mẹ nhập cư người nước ngoài thường đòi hỏi sự chăm sóc, nuôi dạy đặc biệt. Theo nghiên cứu, 48,7% trong tổng số trẻ em tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo ở khu vực vùng xa thuộc gia đình “một thu nhập” (chỉ bố hoặc mẹ đi làm), trong khi 10,2% trong đó có mẹ là người nước ngoài kết hôn với chồng người Hàn Quốc.
Tuy nhiên thống kê cho thấy, giáo viên làm việc tại các trường mầm non tại khu vực vùng xa nói chung có trình độ giáo dục thấp hơn so với những người làm ở thành phố. Hiện tại, đòi hỏi tối thiểu với giáo viên tại nhà trẻ trên toàn quốc là bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, 34,7% giáo viên tại thành phố có bằng tốt nghiệp đại học chương trình 4 năm. Tại các khu vực trồng trọt và đánh cá trên cả nước, chỉ 24,1% giáo viên nhà trẻ có bằng đại học.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, do thiếu nhân viên, bữa trưa được nấu nướng bởi hiệu trưởng chứ không phải là đầu bếp có chứng chỉ tại 25,9% các nhà trẻ ở khu vực vùng xa. Trong khi, 24,5% nhà trẻ tại các khu vực như vậy sử dụng đầu bếp không có chứng chỉ.
Trường nông thôn gặp khó
Khó khăn với giáo dục nông thôn không chỉ ở cấp mầm non mà cả với các cấp học cao hơn. Làn sóng người trẻ đổ lên thành phố khiến cư dân nông thôn giảm mạnh và khiến vấn đề giảm dân số cơ học thêm trầm trọng. Thiếu học sinh dẫn tới nhiều trường học đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Trên khắp Hàn Quốc, tỷ lệ sinh đã giảm từ mức 4,5 con/phụ nữ trong những năm 1970 xuống còn 1,2 con/phụ nữ hồi năm 2014, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong khi đó, số lượng học sinh tiểu học tại nước này đã giảm hơn một nửa, xuống còn 2 triệu 700 nghìn em.
Ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự thay đổi về nhân khẩu học này là các thị trấn nông thôn. Lấy ví dụ thị trấn Nogok. Nếu như năm 1960, Nogok có 5.387 dân với 2.054 người từ 12 tuổi trở xuống thì đến năm 2010, thị trấn chỉ còn 615 dân, trong đó chỉ 17 người dưới 14 tuổi.
Kể từ năm 1982, gần 3.600 trường học đã đóng cửa trên khắp Hàn Quốc, và hầu hết là ở nông thôn do tình trạng thiếu trẻ em. Do đó, một số thị trấn nông thôn đã khởi động chiến dịch cứu các ngôi trường của mình. Một số nơi thuê xe buýt vận chuyển trẻ em từ các thị trấn lân cận sang, thậm chí cung cấp nhà ở miễn phí cho các cặp vợ chồng có con đang độ tuổi đến trường.