Thiết kế các bài toán vận dụng toán học vào cuộc sống cho HS lớp 4

GD&TĐ - Hệ thống bài tập thực hành có tác dụng quan trọng trong việc làm cho học sinh hình thành thói quen và phát triển kĩ năng vận dụng Toán học vào cuộc sống.

Học sinh Trường tiểu học Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định) trong một hoạt động trải nghiệm
Học sinh Trường tiểu học Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định) trong một hoạt động trải nghiệm

Sách giáo khoa đã chú trọng đến điều đó, đặc biệt là hệ thống bài tập, song còn ít và nặng về lí thuyết, chưa khai thác hết các ứng dụng và nhất là chưa giải quyết tốt việc xây dựng một hệ thống bài tập thực hành bao gồm những nội dung vừa có nội dung thiết thực vừa yêu cầu rèn luyện những thói quen và kĩ năng vận dụng cần thiết.

Giáo viên vẫn coi trọng việc giải toán

Là một giáo viên trẻ mới rời trường sư phạm, cô Mai Thị Dung - giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định) - cho rằng, ngay từ khi được đào tạo ở các trường sư phạm, trong chương trình (giáo trình, đánh giá, dạy học…) chưa thực sự chú ý đến vấn đề vận dụng toán học, ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng dạy của giáo viên.

Thực tế hơn 2 năm dạy học, cô Dung thấy rằng, nhiều giáo viên cho rằng sách giáo khoa và sách giáo viên là pháp lệnh phải tuân theo một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, giáo viên không thay đổi nội dung các bài tập về bước vận dụng toán học và cuộc sống cũng như không có sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống và phù hợp với học sinh của mình.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô hướng việc dạy toán về việc giải nhiều loại mà hầu hết không có nội dung thực tiễn, còn xem nhẹ công tác tính toán, thực hành toán học, rất ít hoặc không bao giờ tổ chức ngoại khóa và tham quan về những đề tài toán học gắn liền với đời sống…

Về phía học sinh, các em chưa chú ý rèn luyện để phát hiện và giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống; chưa quan tâm đến những vấn đề có thể vận dụng toán học để giải quyết trong cuộc sống hàng ngày, chưa có sự liên hệ những điều đã học vào cuộc sống của bản thân.

Khi làm các bài tập về bước đầu vận dụng Toán học vào cuộc sống, học sinh không quan tâm đến nội dung của các bài tập đó mà chỉ chú tâm đến việc tìm ra đáp số của bài tập.

Giáo viên phải nắm được nguồn gốc thực tiễn của các tri thức toán học

Để đưa các ứng dụng của toán học vào cuộc sống, cô Mai Thị Dung cho rằng, giáo viên phải nắm được nguồn gốc thực tiễn của các tri thức toán học trong chương trình môn Toán. Ví dụ, số tự nhiên ra đời do nhu cầu đếm, hình học xuất hiện do nhu cầu đo đạc lại ruộng đất sau những trận lụt bên bờ sông Nin…

Từ đó, trong một số bài học, giáo viên có thể đưa những ứng dụng của tri thức đó bằng cách lồng ghép nguồn gốc thực tiễn của tri thức vào bài dạy, như vậy học sinh vừa được tiếp thu những ứng dụng vừa cảm thấy ham thích, say mê tìm tòi.

Cũng theo cô Dung, giáo viên cũng cần phải hiểu rõ sự phản ánh thực tiễn của các tri thức toán học. Ví dụ, phân số là số phần bằng nhau được lấy ra trong tổng số các phần bằng nhau của một đơn vị sự vật; phân số còn là phép chia số tự nhiên…. Khi dạy học, giáo viên đưa sự phản ánh thực tiễn của các tri thức toán học vào trong mỗi bài học tương ứng trong chương trình.

Sau khi đã làm rõ mối liên hệ giữa toán học và thực tiễn, giáo viên cần đưa ra hệ thống những bài tập và việc làm để học sinh kiến tạo tri thức, rèn luyện kĩ năng theo tinh thần sẵn sàng ứng dụng.

Thời lượng dành cho thực hành, luyện tập trong mỗi tiết học Toán ở tiểu học chiếm từ 60% - 70%, nên giáo viên cần tận dụng đặc điểm này đưa bài toán có nội dung thực tế hoặc những tình huống thực tiễn để học sinh vận dụng…

Giáo viên nên chuyển nội dung từng tiết dạy học toán thành các phiếu học tập hay phiếu thực hành. Trong quá trình biên soạn các phiếu học tập, thầy cô nên tích hợp nhiều nội dung giáo dục gắn với thực tế và gần gũi thu hút được hứng thú của học sinh, có thể sử dụng một số tranh ảnh, hình vẽ ngộ nghĩnh để minh hoạ cho các bài tập thêm sinh động, có thể thiết kế các bài tập dưới dạng bài tập trắc nghiệm, các trò chơi hay câu đố vui toán học…

Đặc biệt, các thầy cô cần kết hợp các hình thức tổ chức dạy học khác nhau, đặc biệt là hình thức lên lớp với hình thức tham quan học tập, hình thức thực hành, luyện tập …, tổ chức các hoạt động thực hành toán học giúp học sinh tăng cường vận dụng và thực hành toán học vào thực tiễn.

Yêu cầu, quy trình thiết kế bài toán

Các bài toán có tác dụng củng cố những kiến thức học sinh đã học, rèn luyện kĩ năng áp dụng một quy tắc, một kiến thức mới đã học, hoặc để xây dựng một khái niệm mới. Các bài toán đó phải phục vụ cho mục đích yêu cầu của bài dạy. Do đó khi sáng tác đề toán, cô Mai Thị Dung cho biết mình thường lựa chọn những vấn đề phục vụ cho yêu cầu giảng dạy môn toán nói chung, cho từng chương, từng bài nói riêng.

Cụ thể một số yêu cầu cơ bản cô Dung lưu ý khi thiết kế các bài toán vận dụng toán học vào cuộc sống như sau:

Bài tập phải giúp học sinh đạt được mục tiêu của bài học; phải gây được hứng thú và nhu cầu học tập của học sinh; đảm bảo tính chính xác; đảm bảo tính vừa sức; đảm bảo tính thực tiễn; đảm bảo thực hiện trong khoảng thời gian tối đa là 30 phút.

Cùng với các yêu cầu cụ thể, cô Mai Thị Dung cũng chia sẻ các quy trình để có thể ứng dụng toán học vào cuộc sống như sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu của bài học

Bước 2: Lựa chọn nội dung ứng dụng của tri thức toán học có trong bài học đó vào cuộc sống

Bước 3: Lựa chọn hình thức thể hiện của bài tập đó

Bước 4: Lựa chọn hình thức tương tác của học sinh

Bước 5: Căn chỉnh thời gian để học sinh làm bài tập không quá 20 phút.

Bước 6: Tiến hành sáng tác đề toán

Bước 7: Kiểm tra, đánh giá

"Thực tế dạy học Toán ở tiểu học hiện nay nặng về phần kiến thức và kĩ năng, chưa có nhiều các bài tập vận dụng vào cuộc sống để HS vận dụng kiến thức, kĩ năng môn toán vào cuộc sống xung quanh.
HS được học các kiến thức về số học, đại lượng và đo đại lượng, các yếu tố hình học, giải toán có lời văn, được thực hành - luyện tập các kĩ năng xoay quanh các mạch kiến thức toán được học nhưng khi áp dụng vào các tình huống trong thực tiễn thì các em rất lúng túng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một trong những nguyên nhân đó là GV và HS chưa được trang bị những phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học những ứng dụng của tri thức toán vào trong cuộc sống" - cô Mai Thị Dung. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ