Tai nghe Pilot của Waverly Lab (một công ty công nghệ, thành lập tại New York vào năm 2017) dịch được 15 thứ tiếng, có giá từ 180 - 250 USD. Trong buổi trình diễn sản phẩm tại Las Vegas, ông Andrew Ochoa, chủ của Waverly Labs và là một người nói tiếng Anh, trò chuyện với một phóng viên nói tiếng Pháp của AFP.
Mỗi người sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và câu chuyện không hề bị ngắt quãng, bởi người kia nói đến đâu thì tai nghe Pilot dịch cho người này ngay lập tức. Việc dịch thuật được điều hướng đến đám mây thông qua điện thoại thông minh của Ochoa, với một ứng dụng được cài đặt sẵn, không chỉ giúp dịch thuật tức thời mà còn có thể chuyển đổi thành văn bản toàn bộ nội dung cuộc thoại.
Các máy dịch toàn năng dịch được mọi ngôn ngữ từ lâu đã là mơ ước của nhân loại. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo (A.I)…, giờ đây mơ ước đó đã trở hiện thực.
“Chúng tôi áp dụng một số tính năng A.I như học máy và mạng lưới thần kinh ảo vào các mô hình dịch thuật. Những công nghệ này đã đủ trưởng thành để đưa thiết bị từ khoa học viễn tưởng vào đời sống thực tế”, ông Ochoa nói tiếp.
Phần mềm mạng lưới thần kinh có thể được đào tạo để hiểu các cụm từ, ngay cả khi chúng là những từ mới, loại bỏ nhu cầu phải tải toàn bộ từ điển vào hệ thống. Đó là lý do vì sao tai nghe Pilot cũng như ứng dụng trung gian của nó rất gọn nhẹ. Ochoa tự hào cho biết dù mới ra mắt để thăm dò thị trường chưa đầy một năm, đã có 35.000 cặp tai nghe được bán ra.
Tai nghe Pilot của Waverly Labs chỉ là một trong những thiết bị dịch thuật thời gian thực đáng chú ý tại CES. Công ty TimeKettle đến từ Trung Quốc cũng trưng bày tai nghe WT2 có chức năng tương đối giống với Pilot. Công ty Sourcenext của Nhật Bản thì trưng bày máy phiên dịch cầm tay Pocketalk - thứ sẽ khiến chức năng dịch thuật của smartphone rơi vào quên lãng, với kỳ vọng nó sẽ trở thành món đồ hút khách tại Thế vận hội Olympic ở Tokyo vào năm 2020.
“Rất nhiều người Nhật không biết ngoại ngữ hoặc có thì cũng chỉ là tiếng Anh, trong khi Thế vận hội 2020 đang đến gần. Sẽ có hàng triệu du khách khắp thế giới đổ đến Nhật Bản vào dịp này. Một thiết bị dịch thuật đa năng như Pocketalk là rất cần thiết”, ông Richard Gallagher, người phát ngôn của Soucetalk trao đổi.
Bề ngoài của Pocketalk trông khá giống một chiếc điện thoại thông minh thế hệ đầu, nhưng nó có thể dịch tới 74 ngôn ngữ, với giá bán 299 USD.
“Nó không chỉ là cỗ máy dịch thuật. Nó sẽ học hỏi cách phát âm cũng như hiểu cách tiếp nhận ngôn từ của bạn, từ đó thích ứng tốt hơn qua mỗi cuộc hội thoại. Nó biết làm thế nào để tương thích với bạn, thay vì ngược lại”, Gallagher tự hào nói, đồng thời cho biết thiết bị này dù mới ra mắt nhưng đã có doanh thu tốt ở Nhật, với nguồn khách hàng khá đa dạng.
Khác với các công ty kinh doanh thiết bị, gã khổng lồ công nghệ từ hai năm trước đã cung cấp phần mềm dịch miễn phí đi kèm với tai nghe Pixel, dịch trực tiếp 36 ngôn ngữ. Tại CES 2019, Google tuyên bố đang xây dựng khả năng dịch thuật thành một loạt các sản phẩm mới thông qua phần mềm trợ lý ảo của họ.