Thiêng liêng tình phụ tử

GD&TĐ - Phụ tử tình thâm, tình cảm đậm sâu, cao cả ấy trở thành giai điệu ngọt ngào ngân vang trong cõi nhân sinh. Người ta lớn khôn nhờ suối nguồn yêu thương của mẹ, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Lòng người ấm áp hơn khi bồi hồi cùng “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, cây bút tiên phong đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại ngót trăm năm về trước.

Cha chí tình

Hồ Biểu Chánh sinh 1885 ở làng Bình Thành (nay là xã Thành Công, huyện Gò Công Tây - tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ, ông học chữ nho, sau học chữ Quốc ngữ, làm công chức ở nhiều nơi, am hiểu sâu sắc cuộc sống và con người Nam Bộ. Ông để lại cho đời một sự nghiệp văn học lừng lẫy với nhiều thể loại: Dịch thuật, thơ ca, tùy bút phê bình, hồi kí, hài kịch, truyện ngắn... và nhất là tiểu thuyết. Trong số hơn 60 cuốn tiểu thuyết in đậm dấu ấn, cuộc sống con người phương Nam ông viết, có lẽ “Cha con nghĩa nặng” (1929) là câu chuyện chạm đến trái tim người đọc nhiều nhất bởi vẻ đẹp tình phụ tử cao cả thiêng liêng.

Diễn biến câu chuyện xoay quanh người nông dân hiền lành, chăm chỉ Trần Văn Sửu. Sửu lấy thị Lựu, sinh được ba người con: Tí, Quyên, Sung. Anh thương vợ, yêu con nhưng không may gặp phải người vợ tính cách xấu xa. Lựu ngoại tình với hương hào Hội, không ăn năn, lại còn hỗn hào, níu giữ chồng cho tình nhân chạy thoát. Trong giây phút tức giận, Sửu xô vợ, không may vợ ngã vấp vào phản chết ngay. Sửu bỏ trốn.

Mười mấy năm phiêu dạt, Sửu không nguôi thương nhớ con. Anh lén về thăm, biết các con đang sống tốt, yên ổn, hạnh phúc. Nghe lời khuyên của cha vợ, Sửu vội vã ra đi, không muốn mình bị hàng tổng bắt, con cái phải liên lụy, hạnh phúc dở dang. “Bây giờ mình còn sống nữa làm gì! Bấy lâu nay mình lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì mình thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi nó trở oán mình, mình sợ nó bơ vơ đói rách, mà tội nghiệp thân nó. Bây giờ mình biết rõ nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì nên chết rồi, chết mới quên hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”.

Kịch tính của truyện được đặt trong mâu thuẫn giữa cha thương con và hạnh phúc của con. Lầm lũi về thăm con sau bao tháng ngày thương nhớ, chưa gặp được con Sửu tiếp lại ra đi. Anh chọn hạnh phúc lớn của con, thay vì niềm vui nhỏ của cha. Ra đi, thậm chí nguyện chết cũng vì hạnh phúc ấy. Thiêng liêng, quý trọng vô cùng!

Mấy câu văn giản dị mà xúc động ghi lại nỗi lòng cao đẹp của người cha nồng ấm thương con. Bấy lâu sống vì con, nay nguyện chết cũng vì con, mong con vẹn tròn hạnh phúc. Đây là sự chọn lựa cao cả đáng trọng biết bao. Tình thương con thăm thẳm ấy dường như lan tỏa từ ước nguyện của người cha nghèo Chử Cù Vân trong thế giới cổ tích thuở nào, người cha khổ nguyện vùi thân trong đất lạnh, để lại chiếc khố duy nhất phần con. Vậy đấy, tình thương con của cha tỏa sáng, ngân vang trong nước mắt khổ đau: “Mấy con ơi! Cha chết nhé! Mấy con ở lại mạnh giỏi...”. Cảm động  biết mấy trước một tấm ân tình của người cha nhân hậu, bao dung. 

Con chí hiếu

“Cha hiền sinh con thảo”, chân lí muôn năm ấy rất đúng trong trường hợp thằng Tí, con trai Trần Văn Sửu trong câu chuyện. Thằng Tí chạy riết lại nắm tay cha nó, dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng mà nói: “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy”. Bước chân nhanh, cái ôm chặt của Tí đã giữ cha nó lại với cuộc đời, để rồi mong muốn báo hiếu, đáp đền ơn nghĩa sinh thành.

Cha chí tình, con chí hiếu, thương con, Sửu đuổi con về, thương cha Tí đâu nỡ buông rời, nghe mấy lời thoại mà rưng rưng cảm xúc: “Con không về được. Bấy lâu nay con tưởng cha đã chết rồi, té ra cha còn sống. Vậy thì bây giờ cha đi đâu con theo đó. Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ”. Bốn câu văn mấy mươi chữ nói đủ đầy tấm lòng hiếu thảo của người con. Tình thương nâng lên thành nhận thức, hành động.

Nhất định không để cha khổ, nguyện đi theo chăm sóc cha, không để cha cực khổ, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của con, sự cứng cỏi, tấm lòng thương cha hết mực của Tí đã lay chuyển cục diện. Tí đã đã đưa lối thoát cho tình huống tưởng như bế tắc, làm yên lòng mình, dịu được lòng cha, vẹn được nhiều bề dù còn khó khăn. Kết cục, lòng thương con của cha, sự hiếu thuận của con được đáp đền. Trần Văn Sửu được xóa án, cha con đoàn tụ, hạnh phúc tròn đầy. Câu chuyện khép lại như thế giới cổ tích xa xưa mang dư vị ngọt ngào. Tấm lòng hiếu thảo của người con trở thành tấm gương người đời soi tỏ, trưởng thành.

“Văn dị tải đạo”, có điều cách nhà văn đất Gò Công nhắn gửi bài học làm người mới đáng khâm phục. Từ một câu chuyện cuộc đời, sâu lắng, giản dị. người viết hấp dẫn người đọc bằng tình huống nghệ thuật có kịch tính cao. Mâu thuẫn giữa tình cha thương con và hạnh phúc của con, hạnh phúc của con với tình con thương cha được triển khai căng thẳng, hồi hộp.

Kết lại tình phụ tử thiêng liêng tỏa sáng. Tình nghĩa vẹn tròn, hạnh phúc đơm hoa. Từ đó, vẻ đẹp tính cách nhân vật bộc lộ rõ. Cha thương con vô hạn, sẵn sàng hi sinh tất cả vì hạnh phúc của con. Con một lòng hiếu thảo, hết mực thương cha giữ tròn đạo hiếu. Cách miêu tả nhân vật giản dị, chân thật, dường như, mỗi tính cách, mỗi lời văn của Hồ Biểu Chánh đều mang đậm phong vị màu sắc quê hương Nam Bộ.

Cuộc sống ngày một đổi thay, có điều đạo hiếu nghĩa tình chẳng bao giờ thay đổi, đó vẫn là cái gốc làm nên giá trị con người. Bởi thế, câu chuyện xưa của cây bút tiên phong đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại Hồ Biểu Chánh vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Tấm gương người cha chí tình, người con chí hiếu sẽ còn sáng mãi thời gian, lay tỉnh tâm hồn con người không chỉ hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hỏm Hốc tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình chị Lò Thị Mông.

Chị Mông làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Trong cuộc sống vô vàn khó khăn, chị Lò Thị Mông đã vươn lên để trở thành một trong những hội viên làm kinh tế giỏi ở Tuần Giáo (Điện Biên).

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...