Thiên tai và hệ lụy với trẻ em

GD&TĐ - Ở nước ta, thiên tai đang có xu hướng xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng và diễn biến phức tạp. Ngoài những tổn thất về tài sản, cơ sở hạ tầng, thiên tai còn khiến đời sống, tương lai người dân, đặc biệt là trẻ em thêm khó khăn, mờ mịt.

Thiên tai và hệ lụy với trẻ em

Trẻ em luôn gánh chịu hậu quả

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ riêng trong năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản làm 264 người chết và mất tích, 431 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng tương đương 1,7 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần mức thiệt hại bình quân của 5 năm trước đó.

Nhận định về diễn biến của thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng với diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Còn theo ông Youssouf Abdel-Jelil, đại diện UNICEF tại Việt Nam, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong những năm đầu đời, cơ thể và não bộ của trẻ em phát triển rất nhanh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, trở thành nạn nhân của xâm hại hoặc bỏ lỡ những cơ hội được học tập và phát triển.

Giảm thiểu rủi ro: Lấy trẻ làm trung tâm

Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng cho đến thời điểm này vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em nước ta vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Cứ 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Tình trạng thiếu cân, suy dinh dưỡng càng đáng lo ngại tại các tỉnh, thành bị hạn hán và xâm nhập mặn. Với 1 triệu người thiếu thực phẩm trong năm 2016 đồng nghĩa với việc không ít phụ nữ mang thai rơi vào tình cảnh trên kéo theo nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ.

Bên cạnh đó, những em bé sinh ra trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt cũng phải đối mặt với nhiều căn bệnh như tiêu chảy, bệnh về da do những nhu cầu thiết yếu nhất không được đáp ứng…

Ngay sau khi hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, Chính phủ đã kêu gọi các tổ chức hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn. Theo đại diện Viện Dinh dưỡng, tính từ tháng 6/2016 đến nay đã có hơn 83.560 phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi bú được bổ sung đa vi chất trong 4 tháng.

Hơn 62.270 trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi được bổ sung đa vi chất trong vòng 3 tháng. Đặc biệt, đã có 7.640 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính được điều trị phục hồi dinh dưỡng. Cùng với đó, hàng ngàn lít nước sạch đã đến với người dân, các trường học để giảm bớt khó khăn.

Ông Youssouf Abdel-Jelil cho rằng, kinh nghiệm phòng chống thiên tai - giảm thiểu rủi ro cho thấy, lấy trẻ em làm trung tâm sẽ đem lại kết quả khả quan.

Việc chú trọng xem xét sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ và kết nối hỗ trợ khẩn cấp và công tác phát triển bền vững thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em, gia đình và cộng đồng trước những đợt thiên tai, bao gồm chuẩn bị sẵn sàng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giảm thiểu đáng kể hệ lụy thiên tai gây ra.

Kết quả đánh giá và số liệu báo cáo tại 18 tỉnh bị hạn hán ảnh hưởng, ước tính có khoảng 27.500 trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp, vừa và nặng. 39.000 phụ nữ mang thai và cho con bú bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Trong năm 2016, bữa ăn của trẻ em và phụ nữ ở các tỉnh hạn hán có chất lượng thấp.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ