Trong bối cảnh này, người giáo viên phải đối mặt với thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Những thách thức phải đối mặt
TS Tôn Quang Cường - Trưởng khoa Công nghệ GD (Trường ĐH GD, ĐHQG Hà Nội), cho rằng: GD đang chứng kiến một cuộc thay đổi rất mạnh và chưa từng có.
Công nghệ số đang dần chiếm ưu thế và lan tỏa, xâm nhập khắp mọi thành tố của GD. Nền GD đã bước sang thế hệ thứ 3 theo những gì ta nhìn nhận: Truyền thụ nội dung, tương tác đa chiều với nội dung và tạo cảm xúc cho người học với nội dung!
Đồng hành với quá trình này là sự chuyển đổi số mạnh mẽ: Học liệu số, môi trường số, người học số, người dạy số… Cũng vẫn là từng ấy câu hỏi vốn tồn tại từ trước đến nay nhưng bây giờ cần nhìn nhận trong bối cảnh chuyển đổi số, đó là: Dạy cái gì, dạy ai, dạy như thế nào và dạy học với mục đích gì? Cũng như toàn bộ hệ thống lí luận dạy học được vận hành hàng mấy trăm năm qua thì giờ đây cũng đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần thay đổi trong GD số hiện nay.
Chính vì vậy, theo TS Tôn Quang Cường, về mặt lí thuyết các thầy cô đang rất lúng túng trong lựa chọn cách tiếp cận dạy học theo xu hướng chuyển đổi số; Thiết kế và phát triển các chương trình, nội dung dạy học; Ứng dụng các giải pháp số hóa trong dạy học, kiểm tra đánh giá.
Về mặt thực tiễn, các thầy cô đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Có thể nói đến là lượng thông tin, kiến thức đa dạng, khổng lồ, cập nhật liên tục và cực kì dễ dàng tiếp cận đối với người học.
Đó là các giải pháp công nghệ số (robot dạy học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn, khóa học trực tuyến đa diện…) ngày càng phát triển và phổ biến.
Cùng với đó, phương pháp dạy học giáp mặt trực tiếp trong những giới hạn về không gian, thời gian vật lí của lớp học trở nên yếm thế hơn so với “con đường, cách thức” tiếp nhận thông tin trong không gian mở, đa chiều, hỗn hợp (thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp thực - ảo).
Ngày nay, các phần mềm ứng dụng, thiết bị công nghệ dạy học cũng gia tăng chóng mặt, cho phép người học “trải nghiệm cảm xúc” mới mẻ, nhập vai đa dạng vào các không gian và nội dung dạy học và chuyển dịch giữa các hoạt động dạy học trải nghiệm ngày càng “mượt mà, liền mạch” hơn.
Sự gia tăng của nhu cầu học tập mang tính cá nhân hóa trong sự kết nối không hạn chế với các đối tượng khác nhau, mang tính hội nhập cao và xu hướng cạnh tranh mạnh giữa học tập chính thức (trong nhà trường) và học tập phi truyền thống.
“Ngoài ra, hội chứng sợ công nghệ là một hiện tượng tâm lí bình thường xuất phát từ chính bên trong một số người gây ra xu hướng e dè, ngần ngại. Đây cũng là một khó khăn giáo viên cần phải vượt qua” - TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.
Làm gì để thích ứng với sự thay đổi?
Công nghệ dạy học đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố: Sản phẩm, quy trình và con người. Rất may, các thầy cô hiện nay được “tiếp cận và sở hữu” những giải pháp, sản phẩm công nghệ mới.
Theo thống kê trên thế giới, mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 ứng dụng cho GD được xuất hiện, trong số đó hơn 2/3 là miễn phí. Hiện, có khoảng hơn 2.400 các giải pháp và phần mềm ứng dụng trong GD được giáo viên toàn thế giới tin dùng. Một khả năng cao là phần lớn thầy cô cũng có mong muốn, nhiệt huyết áp dụng công nghệ trong dạy học.
“Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, thầy cô cần tư duy lại vai trò của bản thân, cách thức tổ chức, quản lý việc dạy học trong bối cảnh GD số: Là người thúc đẩy, tạo cảm hứng và hỗ trợ cho học sinh, khuyến khích học sinh học tập với sự trợ giúp của công nghệ. Đồng thời, tạo tâm thế sẵn sàng đổi mới, tiếp cận công nghệ dạy học bằng việc tập thói quen tìm ra ‘khoảng trống’ cho công nghệ xâm nhập vào quá trình dạy học.
Cùng với đó, tham gia xây dựng ý tưởng và phát triển giải pháp số trong dạy học” - TS Tôn Quang Cường cho biết thêm.
Tuy nhiên, ngoài nỗ lực tự thân, thầy cô cần được hỗ trợ, giúp đỡ để có thể đáp ứng yêu cầu mới. Trong đó có việc đầu tư chính sách qua áp dụng các mô hình dạy học theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ, thiết kế xây dựng chương trình nhà trường tích hợp công nghệ, cho phép sử dụng thiết bị cầm tay kết nối trong lớp học/nhà trường;
Xây thiết bị công nghệ trong dạy học dựng hệ thống tổng thể hỗ trợ dạy học trên nền tảng công nghệ; Khuyến khích giáo viên sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học. Các thầy cô cũng cần được tăng cường năng lực thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật thường xuyên về chỉ số đáp ứng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ hiện đại.
Một vấn đề khá quan trọng được TS Tôn Quang Cường đề cập đến là xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo: Đào tạo mới về nhân lực công nghệ GD, quản trị các công nghệ GD mới; Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên theo hướng nhà GD - nhà sử dụng và phát triển công nghệ.
“Từ 2017 đến nay, Trường ĐH GD đã triển khai đồng loạt, có hệ thống các giải pháp triển khai và phát triển công nghệ GD thông minh và GD mở xây dựng nền tảng, cơ sở lí luận cho công nghệ GD. Một trong những biểu hiện về quá trình chuyển đổi đáp ứng yêu cầu, xu hướng ‘GD thông minh’ tại trường là thành lập khoa Công nghệ GD, phát triển một số ngành đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ và cơ chế phối thuộc giữa các đơn vị thành viên trong ĐHQG Hà Nội.
Lần đầu tiên chương trình Quản trị Công nghệ GD được thực hiện theo hướng áp dụng các công nghệ mới trong GD, dạy học tích cực, tăng cường thực hành, dạy học dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, khuyến khích tạo ra sản phẩm đầu ra có khả năng ứng dụng cao; Tăng thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, thực hiện các dự án học tập” - TS Tôn Quang Cường chia sẻ.