Đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0”.
Theo đề án, xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp. Bên cạnh đó có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Đồng thời gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực.
Đào tạo lại cũng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ đó có thể sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp. Ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Số lượng người được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề, trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.
Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300 nghìn lượt người. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.
Nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại. Xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp. Lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, sau đó tổng kết, đánh giá kết quả.
Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong Chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên. Đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác.
Xây dựng kế hoạch đào tạo có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để quản lý, kết nối các thành phần tham gia Chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi Chương trình hiệu quả.
Tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm. Thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng.
Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Mục đích nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo. Đồng thời hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.
Thực hiện việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo theo quy định. Thanh quyết toán theo số lượng và chất lượng người học tốt nghiệp.
Lý giải cho đề xuất đào tạo, đào tạo lại
Đầu tháng 7, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại để nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự thảo đề án đặt mục tiêu thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới (hoặc kỹ năng mới) ở trình độ trung cấp và cao đẳng với khoảng gần 5 nghìn người học.
Việc đào tạo theo đề án sẽ do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đảm nhận trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước. Tổng kinh phí dự kiến cho chương trình này khoảng hơn 800 tỷ đồng. Kinh phí được lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác.
Các nghề mới (nghề hình thành trong tương lai) dự kiến được thí điểm đào tạo thời công nghiệp 4.0 gồm: Giải pháp Blockchain; kết nối hệ thống Robot; kết nối vạn vật; thiết kế thời trang số; trang trại số.
Bên cạnh đó, chương trình còn đề xuất đào tạo cập nhật kiến thức, kỹ năng cho lao động ở một số nghề như: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; tự động hóa; công nghiệp chế biến; nông - lâm nghiệp công nghệ cao; ô tô, cơ khí; năng lượng, du lịch, dệt may... Đào tạo lại nhóm lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cơ khí, dệt may, da giày, khai khoáng, điện tử... để chuyển đổi nghề.
Lý giải cho đề xuất xây dựng đề án trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thời công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội về kinh doanh các ngành nghề mới, kéo theo việc làm mới. Sự thay đổi này cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi, máy móc thay thế con người.
Trong khi đó, thực tế chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kiến thức, kỹ năng học viên học được trong trường dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, có thể không hữu dụng với nền kinh tế thay đổi, dễ bị máy móc thay thế trong tương lai gần.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chủ động để ứng phó với những tác động, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa. Hơn nữa, trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, hàng triệu lao động mất việc làm hoặc chuyển nghề nên việc đào tạo và đào tạo lại sẽ giúp họ nhanh chóng thích ứng với công việc mới. Do đó, người lao động cũng mong muốn được hỗ trợ đào tạo lại.