Thích ứng với AI trong giáo dục

GD&TĐ - Thích ứng với AI trong giáo dục đòi hỏi các chủ thể cần phải thay đổi trong tư duy và hành động thực tế.

Thích ứng với AI trong giáo dục

Hàng loạt công cụ, giải pháp mới được ứng dụng trong giáo dục

Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thời gian gần đây, có nhiều ý kiến quan điểm, thậm chí trái chiều về tác động của công nghệ, đặc biệt là tác động của AI đến giáo dục.

Trong 3 năm liên tiếp, UNESCO đã đưa ra báo cáo khuyến nghị về những khả năng tác động này trong giáo dục. Gần đây nhất là những khuyến nghị về khung năng lực AI cho người học, người dạy trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến và “bình dân hóa”.

TS Tôn Quang Cường cho biết: vài năm trước đây, công nghệ tương tác, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường mở rộng hỗn hợp, thực tế ảo song sinh và các nền tảng kết nối đã giúp chúng ta vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 để duy trì trạng thái giáo dục.

Các công nghệ này còn góp phần kiến tạo nên những “quan hệ giáo dục” mới, những phương thức (mô hình) giáo dục phi truyền thống tăng khả năng thích ứng của người dạy và người học trong không gian giáo dục mới.

Trên các nền tảng số kết nối đó, hàng loạt công cụ, giải pháp mới được ứng dụng, phát triển cho giáo dục.

Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình AI ngôn ngữ lớn, AI tạo sinh, ChatGPT đã tạo ra một cuộc cách mạng trong tư duy về các công cụ, giải pháp công nghệ số.

“Cần lưu ý rằng, bản thân mô hình GPT (tạo sinh, được huấn luyện trước, chuyển giao) dựa trên xử lý ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ lớn trên cơ sở dữ liệu cực lớn khiến chúng ta liên hệ ngay đến một quá trình “tự động hóa sự học thông minh” và “thông minh hóa quá trình tự động của sự học”.

Điều này cũng có khá nhiều tương đồng với một quá trình giáo dục, hay dạy học hiểu theo nghĩa hẹp, nếu nhận diện rõ mô hình “học máy”, “học sâu” hay “phân tích học tập” là cơ sở của AI trong giáo dục”, TS. Tôn Quang Cường chia sẻ.

ts-ton-quang-cuong-2960.jpg
TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Không thể coi AI như một công cụ công nghệ thuần túy

TS Tôn Quang Cường cũng lưu ý: không thể coi AI như là một công cụ công nghệ thuần túy kiểu “ICT” như trước đây.

Các công cụ ICT ứng dụng trong giáo dục về cơ bản mang yếu tố “tĩnh”, tương tác một chiều và kết quả sản phẩm đã được lập trình sẵn nếu xét theo quan hệ giữa người dùng và công cụ.

AI cũng là sản phẩm của công nghệ nhưng không dừng ở đó. Một cách tóm tắt, khả năng tự học hỏi, ra quyết định, tự động hóa thông minh, thích ứng cao dựa trên dữ liệu đã và đang tiếp tục đặt ra những thách thức, kỳ vọng lớn cho giáo dục.

Nếu xem xét các công cụ AI tạo sinh dưới quan điểm giáo dục, có thể tạm chia thành 3 nhóm lớn. Nhóm các công cụ AI trực tiếp, AI hỗ trợ và AI trao quyền.

Các ứng dụng này nếu được áp dụng đúng (đúng cách, đúng người, đúng bối cảnh) trong giáo dục sẽ tạo ra những động lực mới cho giáo dục.

AI không chỉ được sử dụng như là một công cụ trực tiếp, hỗ trợ mà còn là công cụ “đồng sáng tạo” tri thức dựa trên quá trình tạo sinh và chuyển giao theo những mô hình đã được huấn luyện trước của dữ liệu.

Trong đó, mỗi một người học, mỗi một người dạy cũng như toàn bộ các hoạt động đặc hữu của giáo dục sẽ được gắn thêm những đặc trưng, biểu hiện mới hoàn toàn về chất so với các quá trình ứng dụng ICT trước đây.

Việc học của người học sẽ trở thành trải nghiệm học tập với nền kiến thức và dữ liệu khổng lồ, làm thay đổi cách học. Sự học của người học trở thành sự “sở hữu cơ hội học tập” không có giới hạn nhưng trong tầm tay.

Không ai có thể ngăn cuộc chơi “hỏi-đáp” không có hồi kết và tương tác “người-máy” khi cả hai đối tượng liên tục học hỏi và “thông minh hóa” lẫn nhau.

Những công việc, tác vụ mang tính “cơ học”, lặp lại…được ủy thác cho một trợ lý ảo cần mẫn, không biết mệt mỏi.

“Sư phạm AI” - theo khuyến nghị của UNESCO (2024) sẽ thay đổi mối quan hệ trong các quá trình giáo dục hiện nay theo hướng người học tự định hướng, tự điều chỉnh và tự quyết.

“AI hẹp” tạo ra các chương trình nội dung theo hướng mở, cá nhân hóa cao độ cũng như học tập suốt đời với khả năng phân tích, chẩn đoán và dự báo các kết quả đầu ra chi tiết với các phương án triển khai hiệu quả hơn trong giáo dục.

“Trong nhà trường, các hệ thống học tập thông minh, kiểm tra đánh giá thích ứng dựa trên phân tích học tập, hệ sinh thái giáo dục số hướng đến con người… sẽ làm thay đổi các mối quan hệ tương tác, vai trò vị trí của người dạy và người học trong những năm tới. Thích ứng với AI trong giáo dục cũng vì thế mà đòi hỏi các chủ thể giáo dục cần phải thay đổi trong tư duy và hành động thực tế.

Mặc dù vậy, trong môi trường giáo dục, các ứng dụng AI cần được xem xét cẩn trọng về mặt đạo đức và tính nhân văn, tính công bằng và giải trình trách nhiệm. Đặc biệt là sự xung đột với các phương thức giáo dục truyền thống cũng như năng lực số và bình đẳng trong tiếp cận của các chủ thể”, TS Tôn Quang Cường nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ