Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng nỗ lực đổi mới chương trình, SGK

GD&TĐ - Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát tại UBND thị xã Vĩnh Châu.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát tại UBND thị xã Vĩnh Châu.

Chiều 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Đoàn công tác do đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu, cùng đại diện Ủy ban xã hội của Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội…

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc; ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học…

Tỉnh Sóc Trăng có ông Tô Ái Vang, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Bí thư Tỉnh đoàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu có ông Ngô Hùng, Bí thư Thị ủy; ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã; đại diện lãnh đạo HĐND thị xã…

Đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tập trung nguồn lực cho đổi mới chương trình, SGK

Báo cáo hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết: Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, UBND thị xã đã chỉ đạo ngành Giáo dục đổi mới phương pháp dạy học tích cực.

Giai đoạn 2014 - 2020, ngành GD&ĐT thị xã đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực. Trường, lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT 2018.

Toàn thị xã có 53 trường từ cấp học mầm non đến THPT với 1.054 nhóm, lớp. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 36/48, đạt tỷ lệ 75%. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành có 1.767 người (biên chế 1.581, hợp đồng 185), thiếu 180 giáo viên (mầm non 72; tiểu học 80; THCS 28). Toàn ngành có 888 phòng học (trong đó 589 phòng kiên cố, 299 phòng bán kiên cố), 110 phòng bộ môn, 197 phòng làm việc.

Trong năm 2022, UBND thị xã cấp kinh phí xây mới 3 trường với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng. Thị xã đã nâng cấp, sửa chữa phòng học trong hè tại 26 điểm trường, với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, mua sắm bổ sung bàn ghế, thiết bị dạy học với kinh phí gần 9,8 tỷ đồng...

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Theo ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu: Chương trình GDPT 2018 theo hướng mở, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động về chương trình, phát huy dân chủ trong các cuộc họp chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học. Từ đó giúp nhà trường chủ động điều chỉnh chương trình phù hợp với môn học, chủ đề, hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đảm bảo để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đa số các trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp cận với Chương trình GDPT 2018, còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học.

Để đảm bảo việc triển khai Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác dự báo đội ngũ, đồng thời đã tham mưu với UBND thị xã trong việc rà soát, điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý hợp lý, cân đối, đồng bộ giữa giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giáo viên các môn học, phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm.

Theo bà Phạm Thị Cẩm Tú, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu, công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện theo các môn đun của Bộ GD&ĐT, giáo viên cũng tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên thông qua đội ngũ cốt cán. Giáo viên vùng dân tộc tổ chức sinh hoạt cụm trường để có điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau.

Bà Tú cho biết, để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học, địa phương đã tổ chức giáo viên dạy liên trường và hợp đồng giáo viên… Hiện địa phương gặp khó khăn do thiếu phòng học 2 buổi/ngày; thiếu nhiều phòng học chức năng.

Ông Ngô Hùng, Bí thư Thị xã Vĩnh Châu kiến nghị với đoàn công tác.
Ông Ngô Hùng, Bí thư Thị xã Vĩnh Châu kiến nghị với đoàn công tác.

Khắc phục khó khăn

Về cơ sở vật chất, năm học 2022 - 2023 thị xã Vĩnh Châu có 784 phòng học (trong đó 492 phòng kiên cố, 292 phòng bán kiên cố), tỷ lệ 0,88 phòng/lớp; có 110 phòng bộ môn, 197 phòng làm việc. Với tỷ lệ trên, thị xã chưa đáp ứng số phòng học để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Khả năng đáp ứng cơ sở vật chất từ nay đến năm 2025 khi triển khai xong Chương trình GDPT 2018, thị xã Vĩnh Châu còn thiếu phòng học đối với cấp tiểu học là 192 phòng; trong đó 101 phòng học, 91 phòng học bộ môn, đa chức năng; thiếu 48 khối phòng hỗ trợ học tập và 69 phòng phụ trợ.

Thị xã Vĩnh Châu kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ mua sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh quan tâm, ưu tiên bổ sung kinh phí cho thị xã Vĩnh Châu đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao hơn…

Ông Ngô Hùng, Bí thư Thị xã Vĩnh Châu cho biết: Theo Thông tư 109 liên Bộ giữa Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về chính sách học bổng cho học sinh dân tộc, học sinh được hưởng 80% mức lương cơ sở. Tuy nhiên, theo vật giá hiện nay mức hỗ trợ này chưa đảm bảo về sức khỏe, dinh dưỡng cho học sinh dân tộc nội trú. Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để đảm bảo hơn.

Theo ông Ngô Hùng: Đặc thù tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã Vĩnh Châu có nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer, dịp hè nhà chùa tổ chức dạy tiếng Khmer cho học sinh. Hiện thị xã có khoảng 3.000 học sinh học chữ Khmer dịp hè, người dạy là các nhà sư góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer. Trước đây Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nhà sư giảng dạy tiếng Khmer, đến nay đã hết hỗ trợ. Để tiếp tục phát huy, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc, kiến nghị Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhà sư dạy tiếng chữ Khmer và tiếng Hoa.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Công Sỹ cho biết đoàn giám sát khảo sát một số nội dung quan trọng từ các cơ sở giáo dục, UBND thị xã, phòng ban chuyên môn, qua đó có căn cứ báo cáo giám sát.

Thông qua việc giám sát, UBND thị xã có sự chuẩn bị nghiêm túc trong báo cáo; đặc biệt ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo ngành Giáo dục địa phương, đặc biệt là triển khai Chương trình GDPT 2018.

Sau khi khảo sát tại các trường học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẵn sàng đón nhận chương trình mới với thái độ tích cực và nỗ lực vượt khó. Học sinh hào hứng, phấn khởi học chương trình mới vì được giảm tải, giảm áp lực học tập...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ