Thi tuyển hiệu trưởng: Cơ hội để cầu gặp cung

GD&TĐ - Thi tuyển chức danh hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục là giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay. Thi tuyển sẽ tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các ứng viên để ngăn chặn tình trạng chạy chọt. Tuy nhiên, để nguồn cung phong phú đáp ứng nhu cầu đổi mới GD cần có những giải pháp lâu dài trong quá trình thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Diệp cùng HS Trường THCS Đức Thượng. Ảnh: TG
Cô Nguyễn Thị Diệp cùng HS Trường THCS Đức Thượng. Ảnh: TG

Đổi mới công tác bổ nhiệm

Là người nhiều năm nghiên cứu về Chuẩn hiệu trưởng, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: Ở các nước trên thế giới, người ta thi tuyển hiệu trưởng từ lâu. Họ sử dụng con người dựa trên năng lực chứ không phải do các mối quan hệ, lại càng không phải tiền tệ. Nguyên tắc đảm bảo đạo đức trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự được đặt lên hàng đầu.

Ở nước ta, lâu nay, đa phần các địa phương trong cả nước vẫn thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm. Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, việc quy hoạch, bổ nhiệm cũng có nhiều ưu điểm nhưng phải dựa vào thực tài để quy hoạch, chứ không phải quy hoạch theo kiểu “đồng chí này là con đồng chí nào”.

Việc thi tuyển sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ công chức, viên chức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Do vậy, thông qua thi tuyển sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức. Đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.

Không chỉ hiệu trưởng, chức danh phó hiệu trưởng cũng cần phải thi tuyển. Có như vậy mới thực hiện triệt để việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bắt đầu từ thầy cô giáo, và trước hết là người quản lý, đứng đầu.   
Cô Nguyễn Thị Diệp

Tuy nhiên, ở nước ta bệnh thành tích còn khá nặng. Nhiều nơi, nếu sử dụng chuẩn để bổ nhiệm người ta sẽ báo cáo đánh giá đều tốt hết như giai đoạn trước đây. Vì vậy, Chuẩn hiệu trưởng năm 2018 ban hành có mục đích chính là bồi dưỡng, phát triển năng lực lãnh đạo và quản trị nhà trường cho hiệu trưởng là chính.

Phó hiệu trưởng, giáo viên muốn trở thành hiệu trưởng phải được đánh giá theo Chuẩn hiệu trưởng, có năng lực ít nhất loại khá trở lên ở các lĩnh vực được phân công, được tín nhiệm của tập thể sư phạm nhà trường và cơ quan cấp trên, cha mẹ HS/cộng đồng.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Lựa chọn người tài - đức

Là người từng nhiều năm ở cương vị hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) trao đổi: Thi tuyển hiệu trưởng, trước hết các ứng viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, trình độ. Mặt khác, thi tuyển sẽ cạnh tranh lành mạnh về năng lực, tránh được tệ nạn “con ông cháu cha”, thân quen…

Chưa kể đến tâm lý của một số phó hiệu trưởng cứ coi nghiễm nhiên vị trí ấy sẽ là của mình khi hiệu trưởng về hưu. Điều này gây tâm lý ỷ lại, không chịu trau dồi phấn đấu, mà chỉ lo lấy lòng nhân viên để tranh thủ phiếu tín nhiệm. Việc thi tuyển hiệu trưởng đòi hỏi mỗi ứng viên đều phải có đủ năng lực quản lý, biết trước những công việc mà mình sẽ đảm đương để làm tốt hơn.

Theo cô Diệp, nguyên tắc hàng đầu trong việc thi tuyển hiệu trưởng là phải coi việc thi tuyển này là lựa chọn ứng viên vào 1 vị trí việc làm như bao chức danh khác, không phải là ban ơn “xin cho” để làm “ông nọ bà kia”. Người dự thi phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại vị trí việc làm ấy, mà không vì mục đích vụ lợi nào khác.

Song song với việc thi tuyển hiệu trưởng, cần một chế độ trả lương phù hợp với vị trí việc làm. Hiện nay (ngoài phụ cấp trách nhiệm vài trăm nghìn mỗi tháng), cũng chỉ được hưởng lương như 1 giáo viên. Điều này không thỏa đáng với trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu một cơ sở giáo dục.

Về “hành trang”, ngoài bằng cấp phải có ít nhất 5 năm trực tiếp giảng dạy ở cấp mình sẽ dự thi tuyển hiệu trưởng. Người dự thi phải có 1 bản đề án nêu rõ nếu trúng tuyển vào vị trí hiệu trưởng, sẽ hành động như thế nào (tùy theo từng vùng miền)? Có lợi cho học sinh nơi đó hay không? Có đưa ngôi trường đó đi lên hay không? Đi lên bằng những cách làm nào?... kèm theo lời cam đoan sau 1 năm mà không thực hiện phải trả lại vị trí đó cho người khác. Nhưng trước hết, phải có tâm với học trò, lắng nghe và thấu hiểu để xử lý mềm, không cứng nhắc vì đối tượng là con người, đặc biệt lại là trẻ em.

Tuy nhiên, đây là một việc rất mới, không thể một sớm một chiều phá vỡ “lối mòn” nhiều năm nay. Hiệu trưởng trúng tuyển qua thi tuyển sẽ phải tiếp quản và làm việc ở một môi trường mới, hoàn toàn không giống cơ quan xí nghiệp. Đây là môi trường giáo dục, không phải trường nào cũng giống trường nào, mà mỗi nơi lại có đặc thù riêng của từng địa phương. Việc làm quen với “nếp” cũ và cải tổ lại theo “nếp” mới cần phải có thời gian mới thấy rõ hiệu quả.

Tạo nguồn cung phong phú

Theo cô Nguyễn Thị Diệp, thi tuyển hiệu trưởng tạo nguồn cung phong phú. Có thể những người đã làm quản lý tại các phòng GD&ĐT, giảng viên đại học, hoặc có thể là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn của các trường, cảm thấy đủ năng lực quản lý, có đầy đủ hồ sơ và có thể đáp ứng yêu cầu của Hội đồng tuyển dụng đề ra.

Với những hiệu trưởng hiện tại, nếu còn đủ 5 năm, nên tổ chức cho họ thi tuyển. Nếu còn không đủ nhiệm kỳ về hưu có thể bảo lưu để nguyên, hoặc cho về trước mà vẫn hưởng chế độ chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Để nguồn cung hiệu trưởng phong phú đáp ứng nhu cầu của các cơ sở GD, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền lại cho rằng, trước mắt, cần cho GV được bồi dưỡng bài bản. Hiện nhiều sở GD&ĐT tiên phong trong bồi dưỡng CBQL. Điển hình như Hà Nội đang triển khai đề án bồi dưỡng GV, CBQL mời chuyên gia quốc tế thiết kế chương trình hiện đại và giảng dạy trực tiếp.

Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đang hỗ trợ bồi dưỡng GV, CBQL toàn quốc theo Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp GV. Chỉ khi họ được bồi dưỡng có đủ năng lực rồi, thi tuyển mới có ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ