Lộ trình thăng tiến chặt chẽ
Quy trình tuyển chọn hiệu trưởng tại Singapore do Bộ Giáo dục trực tiếp quản lý, nổi tiếng chặt chẽ và gắt gao. Mỗi giáo viên Singapore có ba hướng phát triển sự nghiệp gồm lãnh đạo, giảng dạy và chuyên gia. Theo đó, sau 3 năm giảng dạy, giáo viên sẽ làm bài kiểm tra đánh giá năng lực để chọn một trong ba định hướng gồm: Trở thành giáo viên có trình độ thạc sĩ; chuyên gia giáo dục hoặc nghiên cứu giáo dục; lãnh đạo trường học.
Giáo viên có tiềm năng và mong muốn trở thành quản lý trường học sẽ được chuyển đến làm việc trong nhóm quản lý cấp trung và đào tạo theo hướng lãnh đạo. Theo con đường này, một nhà giáo đi từ giáo viên lên trưởng bộ môn hoặc trưởng khối, phó hiệu trưởng và cuối cùng là hiệu trưởng.
Khi lên một cấp cao hơn, giáo viên phải tích lũy đủ kiến thức chuyên môn, quản lý và các yêu cầu khác. Đến khi trở thành hiệu trưởng, giáo viên cần đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng tổ chức và quản lý trường học; đồng thời có khả năng phát triển chuyên môn cho đồng nghiệp.
Các nhà giáo tiềm năng phải tham gia hai chương trình đào tạo và được nhận toàn bộ lương. Đầu tiên là Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo và Quản lý (MLS), kéo dài 17 tuần dành cho trưởng bộ môn hoặc khối. Chương trình MLS củng cố kỹ năng lãnh đạo của người tham gia, khả năng xây dựng đội ngũ cũng như năng lực điều hành, quản lý. Học viên được cử đi học ở các nước châu Á - Thái Bình Dương một tuần để tìm hiểu hệ thống giáo dục khác nhau và sáng kiến đổi mới dạy - học.
Chương trình đào tạo thứ 2 là Lãnh đạo Giáo dục toàn thời gian (LEP), kéo dài 6 tháng, dành cho phó hiệu trưởng các trường phổ thông và nhân viên Bộ Giáo dục. Họ là những ứng cử viên tiềm năng cho chức vị hiệu trưởng.
LEP nhằm tăng cường năng lực của học viên để suy nghĩ chiến lược, đổi mới, định hướng tương lai, làm việc trong môi trường phức tạp... Một trong những bài tập quen thuộc ở chương trình LEP là dự án Hành động Sáng tạo. Các học viên sẽ tưởng tượng ngôi trường sau 10 - 15 năm và đề xuất giải pháp giúp tăng giá trị trường, phát triển năng lực thích ứng đội ngũ giáo viên. Học viên được cử đi học 14 ngày tại nước ngoài.
Để trở thành hiệu trưởng, một giáo viên phải hoàn tất các chương trình học trên đây, đồng thời luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, kỹ năng quản lý. Dù chương trình tuyển chọn hiệu trưởng ở Singapore có phần gắt gao nhưng người Singapore tin rằng thất bại của hệ thống giáo dục do khả năng lãnh đạo kém của cấp quản lý.
Tại Anh, trước đây, tất cả hiệu trưởng phải đạt Chứng chỉ Chuyên nghiệp quốc gia dành cho Hiệu trưởng (NPQH) do Bộ Giáo dục công nhận. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, đây không còn là yêu cầu bắt buộc. Việc sở hữu NPQH chỉ giúp ứng viên gia tăng cơ hội ứng tuyển vào vị trí hiệu trưởng.
Yêu cầu cơ bản để ứng tuyển vị trí hiệu trưởng ở Anh gồm: Từng làm giáo viên trường phổ thông, vài năm kinh nghiệm làm phó hiệu trưởng hoặc quản lý cấp cao trong trường học. Ngoài ra, ứng viên hiệu trưởng được khuyến khích làm Trưởng nhóm Bảo vệ an toàn trường học để gia tăng kinh nghiệm lãnh đạo trước khi ứng tuyển. Bởi lẽ ở vị trí này, giáo viên có trách nhiệm hơn liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trường học và học được cách xử lý tình huống phát sinh trong nhà trường như lạm dụng trẻ em, bạo lực học đường...
Việc trở thành Trưởng nhóm Bảo vệ an toàn trường cũng chứng tỏ giáo viên có năng lực và trách nhiệm quản lý trường học; khả năng làm việc với nhiều đối tượng khác nhau. Kinh nghiệm này sẽ nâng cao kỹ năng cho giáo viên với tư cách thành viên cấp cao trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường.
Giáo viên Singapore phải tham gia nhiều khóa đào tạo trở thành cán bộ quản lý. |
Yêu cầu về chuyên môn
Tại Phần Lan, chính quyền thành phố sẽ bổ nhiệm hiệu trưởng dựa trên chỉ tiêu hoặc nhu cầu tuyển dụng bổ sung.
Ứng viên được chọn để bổ nhiệm phải có trình độ chuyên môn và đáp ứng một trong 3 yêu cầu về trình độ bổ sung gồm Chứng chỉ Quản lý Giáo dục do Ủy ban Giáo dục quốc gia Phần Lan cấp (chứng chỉ này chủ yếu chứng nhận kiến thức về luật và chính sách giáo dục Phần Lan); hoàn thành chương trình Lãnh đạo giáo dục tại một trường đại học; kinh nghiệm quản lý giáo dục. Chính quyền địa phương có thể chỉ định yêu cầu bổ sung với ứng viên tùy theo nhu cầu của họ.
Con đường phổ biến nhất để trở thành hiệu trưởng là hoàn thành chương trình đại học về Lãnh đạo Giáo dục. Các chương trình thường kéo dài 18 tháng, có thể học bán thời gian.
Khác với hiệu trưởng ở nhiều quốc gia khác, người đứng đầu trường học ở Phần Lan không nhiều quyền hạn với giáo viên. Họ không được phép đánh giá hoặc chấm điểm giáo viên bởi hệ thống giáo dục Phần Lan cho giáo viên quyền tự chủ xây dựng lớp học. Do đó, hiệu trưởng quản lý ngân sách và các khía cạnh khác của trường học. Ở một số trường nhỏ, hiệu trưởng có thể tham gia giảng dạy.
Còn tại Mỹ, hiệu trưởng là một trong những chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống quản lý giáo dục. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường. Nhiều hiệu trưởng tại Mỹ vẫn đứng lớp bên cạnh công tác quản lý nên việc tuyển chọn hiệu trưởng được coi trọng.
Hầu hết các bang tại Mỹ công khai tuyển dụng vị trí hiệu trưởng nên ứng viên có nhu cầu có thể nộp đơn xin việc và thể hiện trình độ chuyên môn của mình. Yêu cầu cho vị trí hiệu trưởng ở Mỹ gồm: Bằng cử nhân, thạc sĩ giáo dục, chứng chỉ giảng dạy theo bang (hầu hết chứng chỉ giảng dạy ở bang này sẽ không có hiệu lực ở bang khác), kinh nghiệm chuyên môn...
Ngoài ra, ứng viên cần đa dạng hóa kỹ năng và kinh nghiệm quản lý trường học trước khi nộp hồ sơ. Ứng viên có thể tham gia các khóa học của Hiệp hội Hiệu trưởng Trường Trung học quốc gia (NASSP), Hiệp hội Hiệu trưởng Trường Tiểu học quốc gia (NAESP), Hiệp hội Hiệu trưởng Trường học Hoa Kỳ (AASA) để trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm ngoài chuyên môn.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến tại Singapore như kết quả đánh giá hiệu suất hằng năm; thang đo tiềm năng hiện tại (CEP); kiến thức chuyên môn; kết quả phỏng vấn với hội đồng giáo dục địa phương; đề xuất của đồng nghiệp, cố vấn... Trong đó, CEP được coi như thang đo chất lượng của một cán bộ quản lý. Cách tính CEP gồm phẩm chất trí tuệ của nhà giáo (tư duy, phân tích, khả năng đổi mới), thành tích, lãnh đạo (khả năng hỗ trợ đồng nghiệp, kỹ năng giao tiếp, quản lý)...