Thị trường xuất khẩu lao động "tắc": Người lao động mòn mỏi đợi chờ

Thị trường xuất khẩu lao động "tắc": Người lao động mòn mỏi đợi chờ

Dự báo, ngay cả khi các thị trường mở cửa trở lại, quy mô lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm sút nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Không thể xuất cảnh

Hơn 2 tháng nay, Nguyễn Cảnh Việt (29 tuổi, Hà Tĩnh) không thể sang Nhật Bản làm việc dù đã có lịch xuất cảnh vào đầu tháng 5. Số tiền lãi vay hơn 150 triệu đồng để ăn, học và chi trả phí dịch vụ ngày càng trở nên áp lực.

“Chưa biết khi nào xuất cảnh được, tôi  cũng không dám đi xin việc chỗ khác. Hỏi công ty cũng không rõ, bảo phải chờ phía Nhật quyết định. Khoản tiền lãi vay đóng hàng tháng không biết lấy đâu để trả nên cả gia đình rất sốt ruột”, Việt nói.

Ông Nguyễn Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Công nghệ cao Phúc Thái cho biết, bình quân mỗi năm công ty đưa được hơn 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các đơn hàng tuyển dụng, và lịch xuất cảnh của nhiều lao động phải tạm dừng.

Đến nay, gần 20 lao động đã được cấp visa nhưng không xuất cảnh được, một số lao động hoàn thành chương trình đào tạo chờ xuất cảnh, quá trình xin tư cách lưu trú chậm trễ hơn nhiều so với bình thường.

“Không đưa được lao động đi làm việc, nguồn thu của công ty không có, trong khi công ty vẫn phải chi trả các khoản phí để duy trì bộ máy, trả lương cho nhân viên trong và ngoài nước nên rất áp lực”, ông Trọng nói.

Ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19, mọi hoạt động của công ty dường như chững lại. Nhiều đơn hàng phải tạm dừng, và gần như không có đơn hàng mới. Một số đơn hàng với đối tác truyền thống, không thể hoãn, công ty thực hiện tuyển dụng online.

Theo ông Tân, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thị trường chưa biết bao giờ nối lại, hoạt động XKLĐ năm nay của công ty nhiều khó khăn, thiệt hại .

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quý I/2020, Việt Nam có khoảng 32.062 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, sang tháng 4 và 5, chưa có lao động nào của Việt Nam được xuất cảnh. Các thị trường của Việt Nam hiện cũng chưa mở cửa tiếp nhận trở lại. Dự kiến, trong thời gian tới, thị trường lao động vẫn chưa thể nối lại do phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch của nước tiếp nhận. 

Xuất khẩu lao động sẽ giảm sút

Dịch COVID - 19 không chỉ ảnh hưởng đến lao động chuẩn bị xuất cảnh, những lao động đang làm việc ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do các DN tiếp nhận bị cắt giảm sản xuất, đóng cửa.

Ông Nguyễn Tiến San, Chánh văn phòng Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, qua khảo sát của Hiệp hội cho thấy, nhiều lao động bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập, xí nghiệp phải cho lao động nghỉ phép, nghỉ dài hạn nhận trợ cấp 60% lương cơ bản.

Trong đó, lao động trong một số ngành nghề như công nghiệp sản xuất chế tạo; gia công cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề. Dự báo lượng kiều hối năm nay sẽ giảm đáng kể so với 2019.

Hiệp hội Xuất khẩu lao động nhận định, ngay cả khi hoạt động đưa người lao động được mở cửa trở lại, quy mô lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm sút nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Các DN trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nếu không đủ sức chịu đựng, việc DN giải thể là nguy cơ có thể xảy ra.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đơn vị này cũng đang họp bàn với phía Hiệp hội Xuất khẩu lao động để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Đối với những lao động phải về nước trước thời hạn hợp đồng do dịch COVID-19, Cục đang đề xuất hỗ trợ từ Qũy Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Theo ông Nam, trong hai tháng này, Việt Nam có gần 2.000 lao động hết hạn hợp đồng phải trở về nước. Một số lao động làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc được chính quyền sở tại gia hạn lưu trú để chờ về nước, trong đó có lao động được chủ sử dụng bố trí tiếp việc làm và chỗ ở.

Đối với lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, một số nước có sự hỗ trợ. Như tại Nhật Bản, mỗi lao động sẽ được Chính phủ Nhật hỗ trợ khoảng 10 man (khoảng 20 triệu đồng).

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ vừa có yêu cầu các DN thông tin đầy đủ, rõ ràng tới NLĐ các chính sách được hưởng và chủ động trao đổi với các đối tác nước ngoài để đảm bảo NLĐ nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt, bảo hiểm của NLĐ theo hợp đồng đã ký.

Còn với DN, bộ cũng sẽ đề nghị với nước tiếp nhận lao động có chính sách hỗ trợ việc cấp visa và các giấy tờ khác cho NLĐ tiếp tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để DN nhanh chóng khôi phục lại hoạt động. Trước mắt, bộ chưa điều chỉnh mục tiêu đưa 130 nghìn lao động đi làm việc nước ngoài trong năm nay.

Ngay cả khi hoạt động đưa người lao động được mở cửa trở lại, quy mô lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm sút nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Các DN trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nếu không đủ sức chịu đựng, việc DN giải thể là nguy cơ có thể xảy ra.

Theotienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.