Dư nợ thuế còn rất lớn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – cho biết: Mặc dù đánh giá 2,3% tình hình kê khai nộp thuế đầy đủ, nhưng dư nợ thuế còn rất lớn.
Báo cáo trước Quốc hội Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho hay: Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nợ thuế là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm và được Bộ Tài chính triển khai rất quyết liệt.
“Những năm trước thường dồn vào cuối năm, nhưng mấy năm gần đây chúng tôi triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm công tác quản lý thuế. Chúng tôi giao chỉ tiêu thu nợ cho từng doanh nghiệp, theo từng doanh nghiệp đối với từng đồng chí lãnh đạo từ Tổng cục xuống đến cục, xuống đến phòng, ban, xuống đến chi cục và đến cán bộ quản lý thuế”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã thực hiện kiên quyết các biện pháp đôn đốc nợ thuế, cưỡng chế thuế và ban hành thông báo nợ thuế tiền chậm nộp, các biện pháp cưỡng chế, nhắn tin, đôn đốc người nộp thuế, thành lập đoàn liên ngành để thu hồi nợ đọng và thực hiện cưỡng chế thuế.
“Trong quá trình quản lý thuế, đặc biệt quản lý nợ thì việc phối hợp của chúng tôi với cấp ủy chính quyền địa phương và liên ngành các địa phương có thể nói là tương đối tốt. Kết quả tuy số nợ thuế tồn đọng còn lớn nhưng kết quả khá tích cực thể hiện sự vào cuộc đồng bộ” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Công tác quản lý nợ thuế là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm và được Bộ Tài chính triển khai rất quyết liệt. |
Số thu hồi nợ đọng thuế năm sau luôn cao hơn năm trước
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho biết: Số thu hồi nợ đọng thuế qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước và bình quân của giai đoạn 2011-2016 hàng năm đã thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi. Tốc độ tăng bình quân các năm là 16,3%.
Cụ thể, năm 2011 chúng ta thu được 20.036 tỷ, đạt 85% số tiền nợ thuế tại thời điểm 31/12/2010, năm 2012 chúng ta thu được 22. 751 tỷ đạt 83%, năm 2013 là 27.000 đạt 66,3%, năm 2014 chúng ta thu được 31.920 tỷ đồng đạt 76%, năm 2015 thu được 37.582 tỷ đạt 80%, năm 2016 chúng ta thu được 42.543 tỷ đồng đạt 77% số nợ đọng thuế đến 31/12 năm trước, 10 tháng đầu năm 2017 chúng ta đã thu được 39.894 tỷ đạt 81%. Như vậy, số thu của chúng ta năm sau cao hơn năm trước thể hiện sự quyết liệt.
Tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu ngân sách nhà nước và thu nội địa thì tổng nợ thuế trên tổng thu ngân sách năm 2011 của chúng ta là 4,4%, năm 2015 của chúng ta là 7,7%, năm 2016 là 6,7%, năm 2017 đến nay 31/10 là 6,1%, như vậy đã bắt đầu giảm xuống trên tổng thu ngân sách.
Trên tổng thu nội địa thì năm 2011 là 7,1%, năm 2014 là 12,2%, năm 2016 còn 8,5%, đến nay còn 7,9% tức là đã giảm. Trong đó tỷ lệ nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày tức là thuế có khả năng thu hồi so với tổng thu nội địa đã giảm, tính đến 31 tháng 10 năm nay, chúng ta còn 4,9% (so với năm 2016 là 5,6%) nợ thuế còn đang thu hồi so với tổng thu, năm 2015 là 7,7%.
Tổng số tiền nợ thuế, đúng như đại biểu nói là đến nay còn 73.930 tỷ đồng, giảm có 0,4% so với 2016 là chính xác. Báo cáo Quốc hội, trong 73.930 tỷ đồng thì tiền nợ thuế có khả năng thu là trên dưới 90 ngày là 27.648 tỷ bằng 37,4%.
Riêng số này đã giảm 10,3% so với 31/12/2016. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp mà chúng ta đang tính là 0,03%/ngày là 18.061 tỷ, chiếm 24,4% và tăng 0,7% so với 31/12/2016.
Tính đến 31/10/2017 số người nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng để thu hồi là 713.383 đối tượng. Ảnh minh họa/internet |
62,6% là khó và không có khả năng thu hồi
“Qua số liệu trên, chúng tôi thấy cơ cấu tổng số nợ thuế chỉ có 37,4% nợ thuế có khả năng thu hồi và số này đã giảm. Số còn lại 62,6% là khó và không có khả năng thu hồi, tức là tiền phạt, tiền chậm nộp mà chủ yếu do kinh tế khó khăn, rồi doanh nghiệp phá sản, ngừng, nghỉ kinh doanh” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội; đồng thời cho biết:
Tính đến 31/10/2017 số người nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng để thu hồi là 713.383 đối tượng, trong đó 209.436 doanh nghiệp và 508.947 hộ, cá nhân. Số khó có khả năng thu là 718.383 đối tượng mà vẫn phải nằm trên sổ bộ của thuế, cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, vẫn phải kiểm tra, vẫn phải đôn đốc.
“Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao và chúng tôi đang tiếp tục phân loại, đánh giá và sẽ báo cáo Quốc hội để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu. Báo cáo Quốc hội, chúng ta xử lý được việc này. Số nợ đọng trên sổ sách của thuế cũng được giảm đi” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.