Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời khi được các Đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường; đồng thời cho biết: Chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách đảm bảo an toàn nợ công. Quốc hội ra Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó các chỉ tiêu trần nợ công đã được đưa vào nghị quyết Quốc hội, chúng ta đang hoàn chỉnh Luật Nợ công (sửa đổi).
“Chúng ta đã từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công và kết quả bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát nợ công tương đối có kết quả. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 có thể khẳng định vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép và đã bước đầu kiểm soát được tốc độ gia tăng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin thêm.
Cũng theo giải trình của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta đã thực hiện kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu, đây là việc quan trọng.
Nếu như năm 2011 kỳ hạn phát hành là 3,9 năm thì đến 2016 kỳ hạn phát hành trái phiếu là 5 năm trở lên. 10 tháng đầu năm nay, kỳ hạn phát hành trong nước là 12,57 năm.
Lãi suất hướng giảm dần. Nếu năm 2011 chúng ta phát hành là 12,01%/1 năm lãi suất thì đến 2016 còn 6,48%/1 năm và 10 tháng năm nay lãi suất còn 6,04%/1 năm, giảm một nửa.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Kiểm soát đến cả việc chi tiêu hiệu quả của nợ công |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho biết: Danh mục nợ trái phiếu Chính phủ được cải thiện. Tính đến nay, cuối tháng 10 năm 2017 kỳ hạn danh mục trái phiếu của chúng ta là 6,7/1 năm, trong khi năm 2013 chúng ta còn lại có 2,98/1 năm, vừa rồi chúng ta cơ cấu lại một bước rất tốt.
Như vậy, có thể nói chúng ta cơ cấu lại trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước đến thời điểm này là gần 61% trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài còn trên 39%.
So với năm 2011 thì cơ cấu ngược lại, trong nước tăng lên, lãi suất hạ xuống, kỳ hạn dài ra. Đây là kết quả từ sự thuận lợi của thị trường vừa qua triển khai rất tốt, vì cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ cũng đã thay đổi rất lớn.
Nếu như năm 2015, 2016 cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ của chúng ta ở hệ thống ngân hàng thương mại 78,9% thì đến nay còn 54%.
“Chúng ta đã phát triển mạng lưới thông qua các quỹ bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư, các quỹ bảo hiểm khác, đây là việc chúng ta đã cơ cấu lại rất tốt.
Nhìn chung, chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nợ công nhưng bước đầu về kết quả cũng như các giải pháp chúng ta đang triển khai rất đúng.
Từ hoàn thiện thể chế đến tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Kiểm soát đến cả việc chi tiêu hiệu quả của nợ công” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.